HAPPY FATHER DAY 21-06

CINEMA1 Comments
LA VITA E BELLA – TÌNH YÊU VĨ ĐẠI CỦA NGƯỜI CHABy House · On June 21, 2015




Có một câu nói: “Cha là người hùng đầu tiên của con trai và là tình yêu đầu tiên của con gái”. Như cái cách mà người cha Guido thể hiện với con trai Joshua trong bộ phim kinh điển của điện ảnh Ý, “La Vita e Bella” (tựa Việt là “Cuộc sống tươi đẹp”). Một bộ phim tựa như một câu chuyện cổ tích, với một người đàn ông luôn biết mỉm cười và tạo ra hy vọng trong cả những thời khắc đen tối nhất.

Đặt bối cảnh vào thời kỳ Thế chiến đệ nhị, bộ phim không cần những cảnh súng đạn, máu chảy đầu rơi để có thể khiến khán giả thấy được sự tàn khốc của cuộc chiến. Như cái cách Guido không cần nói “Cha yêu con” với Joshua, nhưng không ai không cảm nhận được tình yêu và sự bao bọc vĩ đại của người cha ấy dành cho con trai.

Ra mắt năm 1997, “La Vita e Bella” có nhân vật chính là người đàn ông có vẻ ngoài lạc quan và luôn thể hiện sự yêu đời trong mọi hoàn cảnh Guido (Roberto Benigni thủ vai). Hành trình của người đàn ông Do Thái lên thành phố tìm việc vào năm 1939 này đã bắt đầu một cách đầy lãng mạn khi ông vô tình gặp cô giáo xinh đẹp Dora (Nicoletta Braschi). Guido có cảm tình với Dora ngay từ cái nhìn đầu tiên và dù nàng đã được gia đình đính ước cho một gã Phát-xít giàu có, Guido vẫn chinh phục được trái tim nàng “công chúa” với sự hài hước và sự chân thành.

Tình yêu của hai người đã cho ra quả ngọt là bé trai kháu khỉnh Joshua (Giorgio). Dù cuộc sống của Dora có phần thiếu thốn về vật chất so với thời cô còn ở gia đình quyền quý nhưng bù lại nó luôn ngập tràn tình yêu và tiếng cười. Cho đến một ngày sinh nhật năm tuổi của Joshua, Dora trở về nhà và phát hiện chồng cùng con trai mình đã bị Phát-xít bắt đi. Điểm đến của họ là trại tập trung người Do Thái – đồng nghĩa với việc án tử hình có thể đến bất cứ lúc nào. Dù cho là người gốc Ý và không phải đến trại tập trung nhưng Dora vẫn tình nguyện lên chuyến tàu tử thần để được gần chồng con.



Tại trại tập trung, Guido đã nghĩ ra một lời nói dối vĩ đại dành cho Joshua: tất cả ngục tù đều là một trò chơi mà người chiến thắng với 1000 điểm sẽ dành được phần thưởng là một chiếc xe tăng. Nhiệm vụ của Joshua là phải giữ im lặng, không được kêu khóc hay mè nheo và để những gã xấu xa trong các bộ quân phục phát hiện. Với lời nói dối ấy, Guido đã biến chốn địa ngục trần gian đủ sức làm những người đàn ông mạnh mẽ nhất cũng phải rơi nước mắt thành một sân chơi khổng lồ với Joshua và bảo vệ tâm hồn bé bỏng của cậu …

“La Vita e Bella” thường được xếp vào hạng mục phim Hài – Tình cảm. Chính xác hơn, có thể chia bộ phim ra thành hai phần. Nửa đầu đơn thuần là hài, khi Guido sử dụng tiếng cười và những sự trùng hợp ngẫu nhiên để cưa cẩm nàng Dora. Nửa sau của bộ phim với bối cảnh tại trại tập trung vẫn có những tiếng cười, nhưng đó là tiếng cười trong chua xót và nể phục, khi Guido làm mọi cách để khiến Joshua tin rằng họ vẫn đang chơi một trò chơi. Và trên tất cả, đó là tiếng cười ngạo nghễ của Guido dành cho chủ nghĩa Phát-xít, khi ngay cả sự giam cầm tự do cũng không ngăn cản được sự lạc quan của ông.

Khi mới được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 1997, “La Vita e Bella” từng nhận một số chỉ trích từ giới phê bình do đã mô tả nạn diệt chủng Holocaust qua thể loại phim hài. Nhưng thực tế, Roberto Benigni không biến Holocaust thành trò cười mà trái lại, ông đã khiến khán giả rùng mình khi hồi tưởng lại một giai đoạn đen tối của lịch sử thế giới. Giống như cái cách mà Charlie Chaplin đã làm với “The Great Dictator” (1940), Benigni đã dùng tiếng cười như một thứ vũ khí đả kích sâu cay với chủ nghĩa Phát-xít. Và trên hết, tiếng cười trẻ thơ của Joshua trong trại tập trung chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích giữa thời chiến, khi con người ta có thể tìm thấy hy vọng cho tương lai giữa chốn địa ngục trần gian. Đây không phải là một bộ phim chiến tranh mà là một bộ phim về hy vọng và tình yêu.



Đạo diễn, tác giả kịch bản kiêm diễn viên chính của phim là Roberto Benigni – một nghệ sĩ hài nổi tiếng của Italy. Cha của Benigni từng sống ba năm trong trại tập trung của Phát-xít và câu chuyện của Benigni được lấy ít nhiều cảm hứng từ cha mình. Từ những ký ức của cha, Benigni đã tạo nên một “La Vita e Bella” vừa ngọt ngào vừa bi tráng. Bộ phim có xu hướng lãng mạn hóa hiện thực, bởi sẽ thật khó để tìm một con người ngập tràn năng lượng và niềm vui như Guido ở ngoài đời, cũng như sự lơ là đến khó tin của Đức Quốc xã trong ngục tù. Nhưng cách kể chuyện tinh tế và sắp đặt mọi thứ hợp lý của Benigni giúp người xem tin và chấp nhận câu chuyện ấy.

Nửa đầu phim, người xem có thể bật cười thoải mái với những màn pha trò của Guido và cách anh liên tục gặp gỡ và khiến nàng Dora phải bất ngờ. Duyên phận đã cho Guido gặp gỡ Dora, song chính phong cách vui nhộn và trái tim chân thành của ông mới là thứ giữ nàng Dora ở lại trong cuộc đời mình. Các nhân vật phụ như ông bác sĩ mê giải đố, gã hôn phu vênh váo của Dora hay người bạn thân của Guido … đều được đưa vào câu chuyện một cách hợp lý và đem lại tiếng cười nhẹ nhàng.

Nửa sau của phim, vẫn là nụ cười và cái nháy mắt tinh quái của Guido dù tình cảnh đã ngặt nghèo hơn rất nhiều. Điều gì khiến Guido vẫn gọi vợ âu yếm là “công chúa” như mới gặp lần đầu? Điều gì đã khiến Guido liều lĩnh đối mặt với các gã lính canh Phát-xít để giúp Joshua tưởng rằng trò chơi đang diễn ra và cậu bé đang đứng trước cơ hội chiến thắng? Câu trả lời chỉ có thể là tình yêu.

Guido hiểu rằng ông không được phép gục ngã hay biểu hiện sự sợ hãi, bởi điều đó cũng sẽ giết chết niềm lạc quan sống trong con trai. Joshua còn quá bé để có thể hiểu những gì đang diễn ra xung quanh cậu. Khi mà những bé trai khác đều đã bị giết hại dã man, Guido vẫn giải thích với con rằng “chúng đang lẩn trốn để tìm cách thắng trò chơi”. Hành động đối xử tệ bạc với tù nhận của những gã lính được ông lý giải rằng do “chúng muốn chiến thắng bằng mọi giá”. Ông còn liều lĩnh sử dụng loa phát thanh để cho Dora ở trong trại tập trung biết được rằng hai cha con vẫn ổn. Hình ảnh Guido bước đi hiên ngang với họng súng sau lưng và tinh nghịch nháy mắt với Joshua đang ẩn nấp đã trở thành một hình ảnh kinh điển khó quên. Cậu bé năm tuổi Joshua đã sống sót qua trại tập trung nhờ vào sự hy sinh vĩ đại của người cha như thế …



Vào thời điểm công chiếu, “La Vita e Bella” gây sốt không chỉ ở quê nhà mà còn trên toàn thế giới bởi nội dung sâu sắc, xúc động mà vẫn không kém phần vui tươi. Mở đầu với giải Grand Pix tại LHP Cannes, bộ phim thu về tới hơn 200 triệu USD và đoạt ba giải Oscar năm đó, với tượng vàng “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc” cho Roberto Benigni. Nam diễn viên này gợi nhớ tới hình ảnh của chính Guido trong phim khi ông nhảy lên phấn khích và lao lên bục với gương mặt tràn ngập sự lạc quan. Đó là phần thưởng xứng đáng cho người đàn ông đã chỉ cho thế giới thấy rằng cách chúng ta suy nghĩ và sống sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao. Trong những giai điệu lãng mạn của Nicola Piovani, “La Vita e Bella” là bài ca về tình yêu và hy vọng, để thấy rằng đằng sau những ngày đen tối là ánh sáng, rằng cuộc sống này vẫn có thể tươi đẹp nếu biết cách lạc quan.

Bài viết của Thịnh Joey cho Mann Up

- See more at: http://mannup.vn/la-vita-e-bella-tinh-yeu-vi-dai-cua-nguoi-cha/#sthash.ZYbHeWLn.dpuf

Nhận xét

Bài đăng phổ biến