Bách kiếp tà vương động cửu thiên
Bách kiếp tà vương động cửu thiên
Túc mệnh càn khôn tâm dịch chuyển
Lăng Đạo Dương, kẻ có thể đàm thiên, thuyết địa, luận nhân từng viết ra 2 câu sấm đó khi Đại tà vương đản sinh sau hơn vài trăm năm bị trấn áp ở Khổ tâm Phật.
Câu trên ý nói khi Đại tà vương trở lại, giang hồ sẽ lại chìm trong cơn biển máu của một thời loạn thế. Còn câu sau là để ám chỉ chủ nhân của Đại tà vương, người mà sau này chúng ta đều biết là Dịch Phong.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là tại sao Đại tà vương lại chọn Dịch Phong làm chủ nhân chứ không phải Tuyệt Tâm?
Xét về thực lực, một kẻ kinh qua biết bao sóng gió cuộc đời như Tuyệt Tâm đương nhiên hơn hẳn Dịch Phong.
Xét về bá khí, Tuyệt Tâm là cường giả, mang trong mình bá niệm, tham vọng của người Đông Doanh, tất nhiên cũng hơn hẳn một kẻ mới bước chân vào giang hồ không lâu như Dịch Phong.
Thậm chí Tuyệt Tâm cũng là người giúp Đại tà vương đản sinh.Vậy sao hắn cuối cùng cũng không được toại nguyện?
3 tháng trời ở Tuyệt Tâm đảo chỉ giúp hắn học được 1 chiêu duy nhất “Thiên khốc diệt tuyệt” trong Tà vương thập kiếp. Vì tư chất của hắn kém cỏi? Không phải! Là vì Đại tà vương đang cự tuyệt hắn!
Chỉ khi bị dồn vào đường cùng trong trận chiến với Võ Vô Địch, Tuyệt Tâm mới ngộ ra thêm được 5 kiếp nữa. Nhưng không phải vì hắn giỏi mà là vì Đại tà vương hiểu rằng nếu hắn thất bại thì chính Đại tà vương sẽ lại một lần nữa chôn vùi vì Võ Vô Địch muốn hủy thanh thần binh di họa cho nhân sinh này. Và đó là khoảnh khắc duy nhất Đại tà vương chấp nhận Tuyệt Tâm.
Còn khi bị Phong Vân truy đuổi, Tuyệt Tâm bị Đại tà vương cự tuyệt không cho phép vào “Cửu không vô giới” rồi phải dùng mưu hèn, kế bẩn để thoát thân.
Sau khi Tuyệt Tâm mất tích, Đại tà vương đến tay Dịch Phong. Là vô tình hay hữu tình? Sự thật thì Đại tà vương chủ động tìm đến Dịch Phong.
Trở lại câu chuyện vài trăm năm trước, Vân Đỉnh Thiên, chủ nhân của Đại tà vương là một Ma đầu di họa chúng sinh…nhưng hắn cũng từng là Thánh nhân cứu thế. Chỉ vì cứu nhân sinh khỏi trận họa kiếp mà vợ con hắn bị chết thảm. Kể từ đó hắn không còn tin vào thiên lý nữa. Đối nghịch với trời xanh là cách hắn trả thù. Nhưng ngẫm lại tất cả đều vì 2 chữ Tình. Hắn yêu quá hóa hận. Hận đời! Hận trời!
Rõ ràng những kẻ không có tình như Tuyệt Tâm hay cả Lam Vũ không thể nào hiểu được cái cảm giác mất đi người thân. Thậm chí Tuyệt Tâm còn chủ động giết cha hắn. Lam Vũ giết cả cha lẫn vợ. Liệu những kẻ như vậy có xứng với Đại tà vương, nơi mà cái tâm, cái tình của Vân Đỉnh Thiên năm xưa vẫn còn?
Dịch Phong thì khác. Cái chết của Dịch lão đại đã khiến Dịch Phong chìm trong thù hận với quyết tâm báo thù cho cha. Chung quy bước vào Tà đạo cũng xuất phát từ một chữ Tình.
“Túc mệnh càn khôn tâm dịch chuyển”. Câu này ý nói chủ nhân thực sự của Đại tà vương không phải là chữ “Tâm” mà là chữ “Dịch”.
Ad: a.k.a Persie
Nhận xét
Đăng nhận xét