Đưa người ta không đưa qua sông



Đưa người ta không đưa qua sông

Tiễn ai đó, tôi luôn muốn ngồi đợi cho đến khi tàu đi khuất hẳn. Giống hình ảnh một người đứng ở chân đồi, nhìn lên một người đi dần, đi dần lên đỉnh đồi, và rồi đột nhiên, không báo trước, chỉ cần ta xao nhãng một giây, bởi tiếng người nói, bởi 1 tán lá khẽ rung bên đường, vậy là họ đi qua đỉnh đồi, rẽ ngoặt vào góc đường. Họ đi mất. Chuyến tàu mất dạng, chỉ còn tôi ngơ ngác nhìn vào đường ray hút tầm mắt, đã đưa một người đi đến nơi nào đó mà tôi không thuộc về.

Một cuộc đời, chúng ta gặp biết bao người. Và cũng vậy, chúng ta đưa tiễn biết bao người. Mỗi cuộc gặp gỡ đối với tôi, nó là lời báo hiệu của một cuộc tiễn đưa. Có vài người họ chỉ việc đi, ta chào một câu và thôi, họ chưa kịp đi mất, hình ảnh của họ đã bị bộ nhớ của ta xoá bỏ. Họ chưa kịp thành kí ức. Có vài người, ở lại lâu hơn. Ta kịp ghi nhớ, vô tình và hời hợt. Hình ảnh họ ở lại bên ta thêm 1 thời gian, cho đến khi bộ nhớ ta cần được lọc lại. Ta xoá bớt nhiều hình ảnh, để tiếp nhận thêm nhiều hình ảnh khác. Có vài người, sự ra đi của họ để lại một sự thiếu thốn và trống trải bên trong ta. Họ đã vô tình hay cố ý, để thế giới của họ và của ta hoà vào nhau ở một phần nào đó, để rồi khi họ đi, cái phần giao nhau đó chợt loãng ra, và để lại một khoảng hở. Để rồi thế giới của ta, ở cái chỗ giao điểm đấy, chợt trống hơ trống hoác.

Nhưng cuộc đời là tập hợp của rất nhiều bến tạm. Có những bến tạm cố định, mà từ đó ta rời đi, có những bến tạm di động, và họ rời ta đi. Chuyến tàu rời đi, xa dần rồi lẩn khuất. Tôi thấy nhớ cô gái đã lên chuyến tàu đó, rời tôi đi. Một cô bé giống như đứa em gái bé bỏng của tôi, ngây thơ, ngờ nghệch và giàu tình cảm. Tôi đã muốn ôm vội nó trước khi nó đi khuất. Rồi nó thì cứ lúng túng với đồng valise, chiếc vé, lúng túng và vụng về, khi lần đầu tiên đi một mình. Người yêu nó nhìn nó lo lắng, nó càng lúng túng vụng về hơn. Còn tôi, tôi đứng nhìn chúng nó. Tôi nghĩ liệu rồi tôi còn gặp lại nó không?

Nó bảo tôi: anh ở yên đấy chờ em quay lại nhé. Như một đứa em gái cầm tay làm lũng anh trai để đòi quà: Anh phải có quà cho em nhé. Nó cứ vậy, lúc nào cũng bé nhỏ đến tội nghiệp, và dễ thương đến nao lòng. Tôi đã không tặng quà sinh nhật cho nó. Tôi đã chẳng bao giờ thực sự quan tâm đến ai đủ để nghĩ ngợi tìm cách tặng quà, dù tôi hiểu rằng cái niềm vui của người được tôi tặng quà là rất lớn. Nhưng tôi kệ, tôi đùa nó, nó đòi quà tôi, tôi lại đùa nó. “Ghét anh”, mấy đứa trẻ hay nói với tôi vậy. Chúng nó ghét tôi, mà tôi cũng biết chúng nó yêu quý tôi nhiều lắm. Có người anh nào chơi với chúng nó như tôi, để chúng nó cào cấu, để chúng nó “đè đầu cưỡi cổ”, mà tôi chỉ cười và mắng, cái tiếng mắng chẳng làm ai sợ.

Tôi thích tiễn đưa người khác hơn là để người khác tiễn đưa chính mình. Người đi lúc nào cũng để lại rất nhiều nỗi buồn cho người ở lại. Người đi, trên máy bay, trên tàu, trên những con đường, đôi mắt họ mở to nhìn thế giới, nhìn những điều mới lạ, dù phải xa cách, phải chia lìa những cá nhân ở lại thì với người đi lúc nào cũng có một sự thỏa mãn nhất định. Chỉ có nỗi buồn ở lại, hòa vào nỗi buồn của những người đưa tiễn. Con tàu xa dần, người đi khuất dần sau cửa an ninh sân bay, những bóng hình lẩn khuất và mất dạng. Người ra đi mải nghĩ đến con đường của mình, người ở lại thì cứ trăn trở và băn khoăn về con đường người ra đi sẽ đi qua, có gì va vấp, có gì trục trặc, sự an toàn được bao nhiêu phần, sự hòa nhập được mấy nhiêu thoải mái… những câu hỏi với từ “liệu” luẩn quẩn và bất an, người ta cứ mãi mãi bất an như thế cho đến cuộc điện thoại đầu tiên từ đầu người đi, nói rằng mọi thứ ổn và đang diễn biến tốt đẹp, còn nếu không có sự an lòng đó thì sao, nếu ở một thời đại của điện tín không có những công nghệ không dây mạnh mẽ và hiện đại như bây giờ thì sao, chẳng lẽ cứ mãi mãi lo lắng thấp thỏm. Những người ra đi có biết điều đấy, có nhận thấy điều đấy. Tôi không biết, tôi chỉ không muốn trở thành một người ra đi trên những con đường mới để lại người thân yêu của mình ở lại, tôi không muốn ai buồn vì mình, mặc dù đó chỉ là điều vớ vẩn và không tưởng.

Rồi nó sẽ quay lại nơi tôi sống. Dù tôi vẫn ở đây hay đã đi mất, điều đó không còn quan trọng nữa. Vì cô bé đó đã là một phần trong thế giới của tôi. Tôi đã tiễn nó, tôi đã nhìn nó lớn, đã thấy chiếc tàu xa dần. Vậy là đủ. Nó không thuộc về thế giới của tôi, nó cũng không nên thuộc về thế giới của tôi. Đối với tôi, cô bé giống như một vị khách quý, người mà đã tặng cho thế giới của tôi nụ cười và những câu chuyện, để rồi tôi sẽ không bao giờ quên.

Tôi đã nghĩ rằng, tôi chẳng muốn gặp lại những người tôi đưa tiễn. Vì nếu gặp lại, là lại đến lúc chia tay. Cái vòng lặp bất tận vô tình đó của cuộc đời đôi khi trở thành gánh nặng. Tôi đã luôn luôn nhìn mọi thứ tích cực, tô hồng mọi điều tôi trải qua để biến nó thành trải nghiệm của mình. Nhưng đôi khi tôi muốn né tránh những điều tôi biết, một cách nhãn tiền rằng, nó sẽ không khiến tôi vui hơn, không khiến tôi buồn đi, nó chỉ là một thứ gì đó vô nghĩa. Giống như khi bạn đã xem 1 bộ phim, nó hay nhưng nó không cần thiết phải xem lại. Dù cho tôi nhớ cô bé đó, nhớ sự đáng yêu của nó. Muốn được trêu tức nó, nhưng tôi nghĩ, thế giới của tôi đối với nó đủ rồi. Đã đến lúc, như nhiều người khác, tôi nên xa rời họ. Nên đi tiếp, thoát khỏi bến tạm của mình.

Đưa tiễn buồn lắm, nhưng tôi luôn muốn làm người đưa tiễn. Cái nỗi buồn mang mác nhìn chiếc tàu rời bánh khiến tôi có thể cảm nhận rất rõ cái nụ cười buồn bã trên mặt mình. Tôi nghĩ: Thật hay, vậy là họ đang đi đến nơi họ thấy vui, vậy là đủ rồi. Tôi buồn hay không còn gì quan trọng nữa.

- Tuấn lalarme -

Nhận xét

Bài đăng phổ biến