Đoàn dự

Một chút về Đoàn Dự và Thiên Long Bát Bộ

Điểm đầu tiên trong tính cách Đoàn Dự mà người đọc cảm nhận được ngay khi mở đầu tác phẩm, đó là cái tâm từ bi, trong sáng. Chàng nhân từ, nhân từ đến tột cùng, đến nỗi chẳng chịu học võ công – thứ quan  trọng nhất đối với người trong võ lâm. Chàng cho rằng: “Ta đang học không sát, không sân, từ bi đại lượng, đột nhiên cha ta lại bắt ta luyện tập võ nghệ. Học lối đánh người, giết người, lòng ta cảm thấy có điều trái ngược.” Trong lúc ai ai trong võ lâm cũng đều tranh nhau hết bí lục này đến kiếm phổ khác hòng xưng hùng xưng bá trong thiên hạ, thì chàng, ngược lại, chỉ biết đến tình người, chỉ biết “lấy từ bi để dập tắt hận thù”, một tư tưởng hết sức mới mẻ mà mấy trăm năm sau cụ Nguyễn Trãi  đã nhắc lại trong “Bình Ngô đại cáo”:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường đạo.”

Chính vì thái độ sống đó mà tạo hoá đã tặng cho chàng những môn võ công thượng thừa nhưng lại rất phù hợp với cái từ tâm của chàng. Đó là Bắc Minh thần công, lấy nội lực của thiên hạ làm của mình, hệt như cái tâm mở lớn như biển cả để dung chứa tình người của thế gian. Đó là Lục mạch thần kiếm vô hình nhưng có thể chặt đứt khí giới, hợp với lòng nhân từ có thể cắt đứt mọi phiền não, khổ đau. Đó là Lăng ba vi bộ, phép di chuyển linh hoạt không gây thương tích cho kẻ khác, nói lên lòng từ  bi, nhân nghĩa đáng quý.  Tin tưởng vào tình người nên trong chàng lúc nào cũng đầy sự vị tha. Chàng chẳng ngại việc mình không có võ công mà đến khuyên Tư Không Huyền giải chiến với phái Vô Lượng; chẳng quản khó nhọc gian lao mà bao lần giải cứu cho Chung Linh, Mộc Uyển Thanh và Vương Ngữ Yên nữa. Đến lúc gặp hiểm nguy, chàng chẳng bao giờ nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến an nguy của tha nhân: “Việc đã lỡ rồi, hối cũng vô ích. Ta chỉ ân hận một điều là làm phiền lụy đến cô nương mà thôi.” Có thể nhiều người cho rằng chàng hành động gàn dở, nhưng cái gàn dở đó của chàng, nó thật đẹp và đậm tính nhân văn. Nói đến Đoàn Dự, không thể không nói đến tình yêu. Chàng tôn thờ tình yêu, xem tình yêu hơn hết mọi thứ trên đời, yêu chân thành, mãnh liệt, và đắm say trong tất cả những mối tình.

Nếu chàng Giả Bảo  Ngọc trong “Hồng lâu mộng” cho rằng: “Xương thịt con gái do nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành. Tôi trông thấy con gái thì trong lòng thấy nhẹ nhàng khoan khoái, thấy con trai thì như ngửi phải mùi tanh dơ” thì có lẽ, Đoàn Dự là người đồng cảm với Bảo Ngọc nhất. Phải tôn thờ tình yêu đến mức nào chàng mới có thể cung kính quì lạy đủ 1000 lạy bức tượng “thần tiên tỷ tỷ” để rồi có được những môn võ công thượng thừa. Nếu là kẻ khác chắc đã nổi nóng mà xúc phạm bức tượng rồi phải chết vì mũi tên độc dấu trong các cơ quan rồi.  Tình yêu của Đoàn Dự cũng không phải là thứ tình yêu tham lam vị kỉ, mà nó tràn đầy lòng vị tha và sự hi sinh. Chàng chỉ mong người mình yêu được hạnh phúc, thế là đủ. Còn nhớ, khi Du Thản Chi quì lạy Đinh Xuân Thu để mong lão tha chết cho A Tử, tất cả những người ở đó đều khinh bỉ gã, chỉ có Đoàn Dự là thầm thán phục và ngầm so sánh với mình. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy một tâm hồn đẹp, có thể hi sinh cả danh dự vì người mình yêu.

Khi đọc đến đoạn chàng quyết tâm thi tuyển phò mã chỉ để Mộ Dung Phục từ bỏ cái mộng lớn muốn lấy công chúa Tây Hạ để khôi phục Đại Yên mà quay về cùng Vương Ngữ Yên, ta như không kìm được phải thốt lên, ôi một tình yêu cao cả đến thế là cùng. Sự hi sinh ấy là tiếng nói của một tình yêu lớn tràn đầy khát vọng hiến dâng, là tiếng nói của một con người có nhân cách lớn. Cuối cùng thì chàng cũng nên duyên chồng vợ với Ngữ Yên – một cái kết đẹp như phần thưởng cho con người hết dạ vì yêu…

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao Uyển Thanh hận thù đàn ông như thế, lại nguyện cùng Đoàn Dự kết nghĩa phu thê, Ngữ Yên si mê Mộ Dung Phục như thế mà cuối cùng vẫn chọn Đoàn Dự không? Giờ thì bạn đã tìm được câu trả lời rồi đó. 

=CBN=

Nhận xét

Bài đăng phổ biến