Áp lực
Những năm gần đây người trưởng thành dường như đều rất thích khóc.
Đầu tiên là trong bản tin hai ngày trước, một cô gái đỗ xe ngược chiều, cảnh sát giao thông đến nhắc nhở, nhưng vừa tới nơi, cô đã oà lên khóc.
Cô vừa khóc to vừa nói lộn xộn, làm sao bây giờ, em không biết dùng định hướng của xe, gọi điện cho chồng chồng cũng không nghe máy.
Nội dung không đầu không cuối, cảnh sát giao thông cũng thấy vừa bất lực, vừa buồn cười.
Nhưng giữa lúc gào khóc, cô gái này lại nói vài câu khiến tôi cũng khóc theo.
Cô ấy nói:
"Em đã tăng ca hai tuần rồi."
"Hôm nay hiếm lắm mới tan làm sớm, đang định về nhà nấu cơm."
"Nhưng lại bị kẹt ở đây."
Giọng nói ấy hòa trong tiếng nức nở, nhưng không phải bực tức, không phải giận dữ. Nếu bạn từng trải qua thì hẳn sẽ hiểu, đó là tủi thân.
Là bản thân đã rất cố gắng nhưng không ngờ đến chuyện nhỏ như về nhà ăn cơm cũng không làm được.
Cuộc sống dường như chưa từng buông tha mình.
Cô ấy làm tôi nhớ đến bản tin trên 1818 năm nay.
Một chàng trai đi ngược chiều trong đêm bị cảnh sát giao thông bắt. Chưa được bao lâu cậu ấy cũng òa khóc, vừa khóc vừa khụy xuống, thậm chí còn định nhảy cầu.
Bị ngăn lại, cậu ấy vẫn ôm choàng lấy cảnh sát khóc ầm ĩ, sau đó nói: "Em... bị áp lực quá."
"Ngày nào em cũng phải tăng ca đến mười hai giờ đêm, hôm nay bạn gái quên chìa khóa, em muốn về nhà nhanh để đưa chìa khóa cho cô ấy nên mới đi ngược chiều. Đây là lần đầu tiên em đi ngược chiều."
Nói xong dường như cũng cảm thấy xấu hổ, "Không có gì đâu các anh ạ, em chỉ muốn khóc một lúc thôi."
Cảnh sát giao thông nói, không sao, cứ trút ra đi, chúng tôi sẽ trông chừng cho cậu.
Cuộc sống mà, ai cũng đeo theo gánh nặng mà bước đi.
Cả câu chuyện ở ga tàu điện ngầm. Khi đó có một người đàn ông say rượu bò ra trên sân ga. Nhân viên an ninh yêu cầu anh ta di chuyển, anh nói, xin lỗi, rất xin lỗi, tôi thực sự không đứng dậy được, tôi gọi bạn gái đến đón rồi.
Sau đó anh ngoan ngoãn ngồi lên đợi người đến đón.
Bạn gái đến nơi, anh bỗng dưng mất kiểm soát, ôm lấy cô khóc ầm lên, nói: "Em ơi, anh xin lỗi, anh xin lỗi, ở với anh em khổ quá."
Khóc quên cả đất trời.
Sau đó người ta mới biết, anh với bạn gái đều là người xa quê mưu sinh, hai người cùng phấn đấu làm việc ở thành phố đó.
Anh là nhân viên kinh doanh, hôm đó phải đi tiếp rượu khách hàng đến tận khuya, say tới mức đi không vững.
Đó hẳn là thứ cảm giác mất mát trống rỗng lắm, như thể bị vận mệnh bỏ mặc, bản thân chỉ có hai bàn tay trắng, không thể mang đến cho người mình yêu một cuộc sống lý tưởng.
Tôi cũng lăn lộn ở thủ đô hai năm, có lẽ là vì áp lực ở thành phố này quá lớn nên tôi đã gặp rất nhiều người gục ngã vì không chịu đựng nổi.
Có người đồng nghiệp ngày nào cũng đi làm đều đặn, chợt một ngày khóc òa ở công ty.
Cũng có một cậu giao hàng khóc hỏi tôi, phòng 303 tòa AH ở đâu hả anh, em không tìm được thật, sắp quá thời gian rồi. Hỏi xong thì quệt nước mắt, quay người chạy nhanh đi.
...
Chính tôi cũng từng khóc. Tôi còn nhớ có dạo đã thức trắng hai đêm liên tiếp, trên đường về nhà bị xe quệt vào, tôi quả thật đã ngồi bệt xuống đất, ôm đầu khóc to.
Thật sự là... quá tủi thân. Cảm thấy mình thật kém cỏi, cảm thấy cuộc sống này khó khăn quá.
Rồi sau đó thì sao?
Sau đó thì chúng ta trưởng thành từ trong nước mắt, và hiểu được rằng:
Khi một người trưởng thành khụy xuống trước mặt mình, đừng vội chế giễu người ấy. Đừng chê họ yếu ớt, đừng cười cợt, bởi có lẽ người đó thật sự đang gặp phải chuyện gì đó rất khó khăn.
Đừng kỳ thị người ấy, cứ để họ trút hết những uất ức trong lòng, hoặc là ngồi xuống cạnh họ, nói với họ rằng, bạn giỏi lắm, cố gắng của bạn nhất định sẽ được biết đến.
...
Không biết bạn đã nghe câu nói này của Romain Rolland chưa: Chủ nghĩa anh hùng duy nhất trên thế giới là sau khi biết rõ bộ mặt thật của cuộc sống, chúng ta vẫn yêu quý nó.
Điều tôi muốn nói với bạn là: Bạn đã rất tuyệt rồi, bạn từ lâu đã trở thành anh hùng của chính mình, cũng xứng đáng là niềm kiêu hãnh của người khác. Nhưng đừng quên, anh hùng cũng cần nghỉ ngơi.
Cứ yên tâm mà khóc đi, khóc xong, trời sẽ sáng.
{Dịch: Tạ Thu Ngân}
[Nguồn: Weibo]
Nhận xét
Đăng nhận xét