Thành phố không đèn đỏ

...

Chưa bao giờ thích nhạc Trịnh, chẳng hiểu sao lúc này lại thấy hợp vô cùng, mắt nhắm, tai nghe, mũi ngửi, không cái gì ra cái gì mà lại có cái tư vị đặc biệt. Lên máy bay ngồi, chả hiểu máy bay quân đội diễn tập cái khỉ gió gì mà trễ tận tiếng rưỡi. Lại thêm cái máy bay nhỏ, bay rung lắc, đáp tồng tộc lắc rung, ngồi chỉ muốn chửi thề. Ấy thế mà bây giờ…

“Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta”

Mắt tự nhắm, tâm tự sinh ra cái cảm giác thản nhiên, ung dung, không còn quan tâm gì cả. Chỉ là chiếc ghế tắc-xi bình thường thôi mà đã thoải mái vậy. Hay ho đây. Cười khẩy. Rồi cứ vậy chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Ô hay, sao mà chỉ chợp mắt tí mà kì diệu vậy ta, đã thấy khỏe khoắn rồi. Khoan khoái bước xuống, đeo chiếc ba lô tiến vào nhà nghỉ. Nhà nghỉ ở đây, chẳng bao giờ có điều hòa, luôn luôn là như thế, không biết bao nhiêu lâu rồi. Cả cái thành phố không có một cái đèn đỏ, và cả thành phố cũng không có một cái nhà nghỉ có điều hòa.

Người ta gọi cái đất này là đất bốn mùa một ngày. Sáng là mùa xuân, rồi cứ thế mà trưa, chiều, tối lần lượt đi theo hạ, thu, đông. Đâm ra lên đến nơi cũng đủ loại quần áo, hay ho ở chỗ, tất cả các loại đấy đều thấy trong ngày. Thuê một chiếc xe máy, đi vòng quanh thành phố là cái điều đầu tiên tôi luôn làm mỗi khi tới đâu đó. Đà Lạt thì lại hoàn hảo để làm việc đó. Lần này đi một mình, thời gian dông dài dư dả, đâm ra cái việc ngồi trên chiếc xe rong ruổi, không có gì thú bằng. Cũng chẳng cần phải chờ đến chiều để cảm nhận cái chất gió lành lạnh của thu, xe lên đèo, cứ mỗi một lần lên, lại một lần lạnh hơn. Và mỗi một con đèo, lại phải dừng chân một lúc, phóng tầm mắt ra xa. Đôi khi là nhìn về phía thành phố với những căn nhà cùng kiểu ngói mà mỗi một ngói lại một màu khác nhau. Đôi khi là ngay bên cạnh là dàn lan mùi thơm thoang thoảng mê người, khi đậm khi dịu như công chúa thiên hương quốc sắc đi qua. Đôi khi là con đường đá dẫn đến biệt thự nằm lẻ loi giữa cánh rừng. Tuyệt vời nhất là tân lực nhìn ra xa, bên này trời còn ít mây xám sau mưa, bên kia là vầng hào quang sáng rực của mặt trời không tiếc công sức rọi xuống. Nhưng những thứ như vậy, không phải khiến mặt ngây dại đi vì đẹp, vì thơm, vì hoành tráng hoa lệ, vì vui vẻ hạnh phúc, chỉ một nụ cười hàm tiếu, một cái nhắm mắt hờ hững là đủ. Cảm giác này, lẻ loi, mà lại không lẻ loi, vì có trời, có đất, có núi, có cây, có hoa, có lá.





Cái đất Đà Lạt là vậy. Người ta không sống nhanh, cũng chẳng sống chậm, người ta ung dung tự tại, người ta thích lúc nào sôi nổi thì sôi nổi, lúc nhẹ nhàng thì nhẹ nhàng. Người ta không thể vui quá được, nhưng cũng không thể dừng được nụ cười nhẹ, người ta không thể buồn quá được, nhưng cũng không thể không có chút mang mác bi ai.

– Sao chú lên đây mà đi một mình làm chi, buồn chết

Chị bán bánh tráng trộn hỏi, cái giọng cũng chẳng vui, chẳng buồn, chẳng sốt sắng mà cũng chẳng thờ ơ, cái giọng người Quảng vốn nặng lại có tí nhẹ, chẳng cao, chẳng trầm hỏi khiến cứ muốn chị hỏi lại lần nữa mà nghe.

– Dạ, thi thoảng buồn cũng có cái hay của buồn mà chị – Nói thế thôi nhưng vẫn cười

Đĩa bánh tráng đầy đặn, đỏ đều nhờ thứ nước sốt tự làm, cắn vào miệng dai dai, cay cay, chua chua, ngọt ngọt, này thì bò khô, này thì lá thơm, trứng cút…

– Ngon đấy chị ơi – Một lời thật lòng từ người hiếm khi thật lòng.

Chị cười hiền lành, cũng không đáp, có lẽ vì chị quen với cái việc người ta khen bánh tráng trộn của chị rồi. Chị kể chị bán lâu rồi, trẻ con cũng hay qua đây ăn, năm ngàn chị cũng bán, thế là hỏi thế đĩa này bao nhiêu, chị bảo mười ngàn. Giật mình lắc đầu mà lòng thì lại đồng tình, rẻ quá chị ơi. Mấy lần đi trước, đi nhiều, đi đâu cũng có người sắp hết cho, ai dè cả trăm ngàn một bữa chẳng bằng đĩa bánh tráng trộn mười ngàn. Tự cười mỉa mai, vốn luôn coi mình là kẻ biết thưởng thức mà cuối cùng, lên đến lần thứ ba mới thực sự biết thưởng thức. Có cần chi đâu, một xe, một người, một ghế, một bàn, một bánh tráng trộn.



Ba đứa trẻ chạy lại nhờ chị bán đĩa mười ngàn. Rồi cứ thế tự nhiên ngồi xuống cười cười nói nói ngay trước mặt. Ấy vậy mà chẳng khó chịu. Ấy vậy mà chẳng muốn chau mày. Ấy vậy mà còn tự động mở miệng, cười rồi hỏi:

– Mấy đứa hay ăn ở đây hả?

– Dạ thưa chú, vâng – Ăn, nói, cười, nhìn, ánh mắt đầy vẻ hài lòng ngây thơ

– Thế mấy đứa tên gì?

– Dạ, cháu là Đạt, bé con này là Thiên, đây là Hồng

– Mấy đứa là anh em hả?

– Dạ, Thiên là em ruột đó chú, còn chị này là chị họ cháu lên chơi – Vẫn ăn, nói, cười, nhìn, ánh mắt đầy vẻ hài lòng ngây thơ

Ô, lâu lắm rồi mới nghe trẻ con nói với mình mà cứ mỗi câu lại dạ. Đột nhiên lại thấy dấy lên một trận sảng khoái, tự dưng hài lòng khó tả. Chẳng nghĩ ngợi nhiều thuận miệng hỏi ba đứa:

– Mấy đứa ngồi ăn với chú, hôm nay chú vui chú trả tiền cho

– Dạ, nhưng mà trả tiền rồi chú ơi – Thằng bé tiếc rẻ trả lời – Hay là đồ uống đi chú – Lại ngay lập tức mắt sáng rực lên

– Ô hay, tự dưng đòi chú làm chi – Con bé chị họ nãy giờ không nói năng gì quắc mắt nhìn thằng bé

– Không sao, rồi, để chú mua cho

– Dạ, kì quá à – Vẫn con bé giọng lí nhí

– Thế uống gì nào?

– Sữa đậu xanh đi chú, hàng bên kia bán sữa đậu ngon lắm chú – Thằng bé háo hức gợi ý

– Vô duyên quá mày – Lại con bé

Cười. Mở rộng miệng cười. Rồi chẳng để con bé thay mặt từ chối đứng dậy đi ra hàng sữa đậu xanh ngay đó. Thế tiện mua luôn cho mình một cốc vậy.

– Cô ơi, cho con bốn li đậu xanh – Xưng “con” vì kiểu gì cũng được gọi là con, nhưng giọng đặc Bắc khiến cô bán đậu xanh mỉm cười, cái nụ cười dành-cho-khách-du-lịch-mà-như-với-người-nhà.

– Có đá không con?

– Dạ, có

– Ông ơi, lấy đá ra đây – Giọng rất sai bảo, nhưng vẫn cái chất đấy, nhẹ nhàng, không cao không thấp, làm ông lão đang ngồi đọc báo lục tục chạy đi lấy đá.

Nồi sữa đậu xanh đặc quánh, mùi thơm nồng, ấm áp, giữa cái thời tiết man mát thật quyến rũ. Bốn li, nhanh chóng gọn gàng.

– Cô ơi, bao nhiêu cho con gửi

– Bốn mươi ngàn, con

Đây cái gì cũng bán mười ngàn hay sao, trong lòng tự dưng thầm hỏi, hay thật.

Bốn đứa ăn xong, cầm li sữa đậu xanh háo hức, có điều hình như dạ dày bé, vẫn no nên không vội uống ngay. Đi tiếp thôi. Nói rồi chào mấy đứa, gửi tiền chị bán bánh tráng trộn, nổ máy rồi đi. Được vài mét bỗng dưng tiếng chào “Con chào chú, cảm ơn chú” vang lên sau lưng, đồng thanh, thánh thót, đường phố chẳng đông đến vậy nhưng vẫn có tiếng xe, cho dù thế không đủ để không nghe thấy tiếng chào. Tự dưng mỉm cười khoan khoái, lại đi, lại gió, lại lạnh, lại đèo, lại rừng, lại núi, lại hoa, lại trời, lại đất,…

Hóa ra, sống chậm là vậy sao?



Lên Lâm Đồng mà không uống cà phê là có tội với bản thân. Thật buồn cười cái đám sờ-ta-bấc gì gì đó, mang cà phê vào Việt Nam chẳng khác gì đem gỗ mục lên rừng sối bán cho thợ mộc? Chẳng cần quán xá cao sang gì, chỉ tùy tiện chọn một cái ven đường ngồi xuống. Đen, đá. Li cà phê nhỏ, cùng cốc đá mang ra. Phin. Tí tách, tí tách. Ngồi trên một con đường trên đồi, thời tiết đẹp mê người, xung quanh tĩnh lặng, thật tuyệt vời cho đọc sách. Không cần phải để ý đến phin. Tí tách, tí tách. Đọc, ngẫm, nghĩ, chờ. Hà Nội không vội được đâu vì sợ xe đâm, còn Đà Lạt dục tốc bất đạt bởi ở đây, phải chậm rãi mới thưởng được cái chất của Đà Lạt.



Cà phê đã chảy xuống hết. Lấy phin ra. Để nắp xuống dưới, gác phin lên trên. Câm li cà phê màu cánh gián, màu nâu sáng viên trên bề mặt. Đúng rồi, đúng nó rồi. Ngửi. Thơm. Nhấp. Đắng. Cái lẽ thường của cái đất Hà Thành là đem li cà phê kia thêm đường vào rồi đổ vào cốc đá, không thể làm được ở đây. Cầm một viên đá cho vào chiếc cốc nhỏ. Mát, ngọt, đắng, bùi, thơm, tất cả hòa thành một. Chỉ một nhấp thôi vì sợ hết nhanh, và mỗi một nhấp phải tham lam ngửi cho hết mùi thơm. Tuyệt nhiên chẳng có chút chua nào cả. Lúc này mà xổ nho mới là chính xác nhất. Hảo cà phê!

Sách làm bầu bạn. Cứ vài trang lại một nhấp. Càng uống càng ngon, càng đọc càng hay, càng nghĩ càng thông suốt. Lại có trời đất quang đãng, không khí trong lành. Ý hay thành nụ cười. Câu hay thành ánh mắt xa xăm lại gặp ngay cảnh đẹp. À, lại còn nhạc Trịnh nữa chứ. Chưa bao giờ thực sự thích nhạc Trịnh, nhưng thế nào ở đây bật lại hợp thế, nghe lại thấm thế.

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông”

Ô, chỉ có cái đất này may ra mới thấy cái cảnh đấy. Lão Trịnh ơi lão Trịnh, Huế rồi đây, chẳng trách sao nhạc lão lại có phần bi ai, man mác thế.

“Tôi là ai, mà còn ghi dấu lệ

Tôi là ai, mà còn trần gian thế,

Tôi là ai, là ai, là ai,

Mà yêu quá đời này”

Buồn, nhưng yêu quá đời này.

Hóa ra, sống chậm là vậy sao?



Chiều đi dạo bên cạnh Hồ Xuân Hương. Rồi ra cái quảng trường mà chẳng nhớ tên. Không vắng vẻ thế mà chẳng ồn ào. Cứ thế mà đi, thi thoảng nghe tiếng người. Tình nhân nắm tay dạo bước. Bố dắt con đi thả diều. Đúng, thả diều giữa thành phố. Con diều đỏ vươn cao, cùng diều mặt trăng, diều chim phượng. Trẻ con chạy, người lớn thong dong, vừa dặn cẩn thận vừa cười. Thế nhưng toàn cái không gian ấy, tuyệt thiếu đi cái ồn ào náo nhiệt. Do nó vốn vậy, hay mình muốn nhìn thấy như vậy?

Sương càng lúc càng dày, đi xe đã đến lúc phát lạnh. Phóng thật nhanh, người khác cũng phóng thật nhanh. Lúc đông thì chậm, lúc vắng thì nhanh, tưởng như là lẽ thường tình mà ở đây thì không thế. Tắc đường ở cái đất Hà Thành thì mới nhanh nhanh chóng chóng, mắt trợn mặt nhăn nhó mũi phì phì, chỉ muốn thoát khỏi mùi người, mùi xe. Đông mà lại nhanh đó. Đường vắng ở cái đất Hà Thành thì mới chậm lại, vì cả ngày mấy khi có lúc được như vậy. Vắng mà lại chậm đó. Cơm, áo, gạo, tiền, ta, địch, giàu, nghèo, khôn, ngu khiến chẳng bao giờ thấy tâm thanh tĩnh. Trời lạnh, phóng thật nhanh, sương mà chẳng sợ sương, vì lạnh nhưng không cắt da cắt thịt, vì nhanh nhưng không sợ đường xấu, thành phố không đèn đỏ mà. Không phải vì khẩn trương mà nhanh, mà vì thích, vì thoải mái, vì chẳng lo nghĩ.

Hóa ra, sống chậm là như vậy sao?- See more at: http://mannup.vn/thanh-pho-khong-den-do/#sthash.xykr4QVF.dpuf

Nhận xét

Bài đăng phổ biến