Cách mạng tháng 10 Nga
"Ngày này năm xưa"
- 7/11/1917: Cách mạng tháng Mười ở Nga
Sau Cách mạng Tháng Hai, nước Nga xuất hiện tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và Xô viết đại biểu công nhân và binh lính. Chính phủ lâm thời tư sản quyết tâm theo đuổi thế chiến I đến cùng khiến dân chúng kịch liệt phản đối do nước Nga lúc đó đã quá kiệt quệ.
Trong hoàn cảnh đó, lãnh tụ của đảng Bolshevik Vladimir Ilyich Lenin từ Thụy Sĩ trở về nhà ga Phần Lan ngày 3 tháng 4 năm 1917. Ngày hôm sau, Lenin có bài phát biểu "Luận cương Tháng Tư" chỉ ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tuy chưa đề cập đến việc sử dụng bạo lực để giành chính quyền ngay, Lenin cũng chỉ rõ phải sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa vũ trang một khi hoàn cảnh thay đổi.
Nước Nga khoảng khắc trước cách mạng không còn là một đế quốc nữa. Thế chiến thứ nhất đã vét sạch các nguồn dự trữ chiến lược, đẩy các mâu thuẫn tiềm tàng trong xã hội lên đến mức cao nhất. Trong 1 năm (1916-1917), sản xuất công nghiệp giảm 36%, một nửa doanh nghiệp bị đóng cửa tại các trung tâm sản xuất chính gây tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Thu nhập công nhân giảm 50% so với năm 1913. Nợ quốc gia là 50 tỷ rúp, trong đó 11 tỷ là nợ nước ngoài. Tóm lại, nguy cơ nước Nga bị phá sản là ngay trước mắt.
Đã thế, cuộc tấn công của quân đội Nga vào chiến tuyến Đức (do chính phủ tư sản phát động) bị đánh bại với 6 vạn thương vong mà chẳng đạt được bất cứ một mục tiêu gì. Tin "nướng quân" bay về khiến công chúng phẫn nộ, và khiến số lớn thủy thủ và binh lính ủng hộ Đảng Bolshevik.
Ngày 23/10/1917, Ủy ban Trung ương Đảng Bolshevik bỏ phiếu thông qua nghị quyết ghi rõ "một cuộc nổi dậy vũ trang là không thể tránh khỏi, và thời gian cho nó đã chín muồi". Ủy ban quân sự cách mạng được thành lập và bắt đầu lên kế hoạch đánh chiếm các vị trí chiến lược ở những thành phố lớn.
Chiều ngày 6/11, các đơn vị Cận vệ đỏ tập trung lực lượng đánh chiếm các khu vực đầu mối, trụ sở các bộ, tổng đài điện thoại, nhà ga, các cầu bắc qua sông Neva. Ngay trong đêm quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Petrograd, bao vây Cung điện Mùa Đông mà hầu như không tổn thất. Chính phủ tư sản đánh điện gọi nhưng các đơn vị quân đội xung quanh Petrograd từ chối đến cứu viện. Thủ tướng Kerensky trốn đi từ trước khi vòng vây khép lại bằng cách mượn xe Renault của đại sứ quán Mỹ. 9 giờ 45 phút, chiến hạm Rạng Đông nổ loạt súng lệnh báo hiệu tấn công cung điện Mùa Đông. 3000 quân bảo vệ cung điện rối loạn và lợi dụng điều đó, thủy thủ, chiến sĩ Cận vệ đỏ và binh sĩ cách mạng tràn vào cung điện. Cuộc chiến diễn ra tới 2 giờ 45 phút sáng thì kết thúc. Toàn bộ chính phủ tư sản bị bắt giữ, trừ thủ tướng Kerensky.
Nhận xét
Đăng nhận xét