CUỐN SÁCH: HỒI KÝ LÝ QUANG DIỆU

CUỐN SÁCH: HỒI KÝ LÝ QUANG DIỆU

Tôi đã chọn một bức ảnh của cuốn sách để giới thiệu hôm nay cho các bạn. Một bìa sách, và một dòng chữ đập vào mắt tất cả chúng ta. Dòng chữ mà tôi tin rằng rất nhiều người Việt Nam có tâm với dân tộc sẽ đau đáu mỗi ngày: “Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất.” Phải, trong chúng ta đều mong về điều đó. Ước mơ về đất nước Việt Nam cất cánh đến thế giới thứ nhất.

Trước khi đi tới giới thiệu cuốn sách mà tôi tin rằng rất nhiều bạn nên đọc, tôi sẽ nói về một vấn đề hiểu lầm nghiêm trọng của đa số giới trẻ Việt. Đó là chuyện về Singapore và Miền Nam Việt Nam trước 1975. Những câu chuyện như Lý Quang Diệu tới thăm Sài Gòn và mong “Giá mà Singapore bằng một góc của Sài Gòn” ..v.v..là hoàn toàn sai. Thực tế thì đảo quốc này đã rất giàu có từ thế kỷ thứ 19 rồi. Lý do là bởi nước Anh trong quá trình chinh phục thuộc địa, cần một hải cảng quan trọng để giao dịch và vận chuyển hàng hóa từ các thuộc địa Châu Á (chủ yếu là Ấn Độ) qua mẫu quốc. Điều này dẫn đến người Anh đổ rất nhiều tiền để đầu tư cho thương cảng Singapore này. Trường đại học quốc tế Raffles ở Singapore chính là lấy tên từ  Stamford Raffles, tên của người Anh đã sáng lập nên hải cảng này. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bức ảnh về sự phồn thịnh của Singapore từ thế kỷ 19 lẫn đầu thế kỷ 20, chứ không phải là một làng chài nhỏ bé để Lý Quang Diệu ước mơ có một góc phố xá như Sài Gòn.

Quay lại câu chuyện về cuốn sách này, đây là cuốn “Hồi ký của Lý Quang Diệu” do công ty sách Omega xuất bản. Cuốn sách kể lại hành trình của cha đẻ Singapore hiện đại. Một Singapore là “Con rồng Châu Á”. Dấn thân vào cuốn sách, ta được gặp một Lý Quang Diệu người nhất có thể, bởi đây là hồi ký của ông, khi có lúc ông sợ hãi, nhút nhát, có lúc bất lực. Nhưng là một Lý Quang Diệu thông minh, linh cảm chính trị xuất chúng và linh cảm cuộc sống cũng hơn người. Chỉ khi bạn đọc cuốn sách, bạn mới không bất ngờ khi ông trở thành thủ tướng Singapore, bởi ông đã xuất chúng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Lý Quang Diệu đứng đầu kỳ thi của đại Raffles, giành học bổng ở Cambridge, và đạt được ngôi sao duy nhất dành cho tài năng xuất chúng trong danh sách danh dự kỳ thi sinh viên giỏi cấp II, đồng thời chỉ mất 8 học kỳ đã tốt nghiệp.

Ông cũng thể hiện sự quan tâm đến chính trị, đến thời cuộc trong các mối quan hệ triết học ngay từ thuở còn là sinh viên. Ông cũng đã xuất sắc trong việc đối phó với mưu sinh ở những năm tháng chiến tranh. Lý Quang Diệu đã cùng 1 người bạn chế tạo ra hồ dán, rồi đi môi giới ở chợ đen. Bản thân ông cũng học nhanh chóng tiếng Hán để có thể đối phó với cuộc sống dưới thời Nhật chiếm đóng. Và đặc biệt, Lý Quang Diệu đã thể hiện phẩm chất của một người đàn ông có trách nhiệm với người phụ nữ mình yêu ngay từ khi chỉ là chàng trai đôi mươi, thời điểm ông qua Anh trước, và ông dặn người con gái ông yêu đang chờ đợi ông ở Singapore cố gắng giành học bổng ở quê nhà, còn ông ở London tìm đủ mọi cách để cô đến với ông, hòng ngăn sự chia xa này. Như ông viết trong hồi ký “Rơi vào thế phải hành động, tôi đã nát óc tìm cách đưa cô vào Cambrigde”. Quả thực, đàn ông nên trách nhiệm như vậy, chỉ khi trách nhiệm với người con gái anh yêu, mới có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là vậy.

Những thành tích học tập đáng nể không phải là điểm mạnh lớn nhất của Lý Quang Diệu, mà có lẽ là cái cách ông học từ thực tiễn. Hai lần ông suýt bị quân Nhật bắt và giải đi, nhưng nhờ sự thông minh và linh cảm, ông đã tránh được. Trong cuốn sách, ông cũng nói rằng “Nếu ba năm rưỡi Nhật chiếm đóng đã cho tôi tốt nghiệp về thực tế cuộc sống, thì năm đầu tiên trên một đất nước Singapore mới giải phóng là khóa học sau đại học của tôi.” Điều này đã dẫn Lý Quang Diệu đến những tư tưởng rất mạnh mẽ: “Tôi sẽ không có được cách đánh giá chính quyền, và sự hiểu biết về quyến lực như một phương tiện tạo ra những thay đổi cách mạng nếu không qua thời kỳ này.”

Đi qua những năm tháng tuổi trẻ, gặp Lý Quang Diệu trong hành trình khai sinh ra “Đứa con Singapore” hôm nay. Một trong những câu nói hay nhất trong cuốn sách này về dân tộc chính là “Chúng tôi sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, những tư tưởng và lối sống của chúng tôi. Chúng tôi sẽ trung lập trong bất kỳ sự xung đột nào giữa các khối đại cường. Nhưng chúng tôi không hề trung lập ở những chuyện liên quan đến quyền lợi của mình.” Dòng chữ bên dưới quốc huy sư tử Singapore là “Cầu chúc cho sự thịnh vượng của Singapore”. Một câu nói không giáo điều, chẳng to tát gì, mà đầy tình cảm của một vị thủ tướng đang lo cho dân tộc trong ngày độc lập.

Quan điểm xây dựng đất nước trong thời hiện đại của Lý Quang Diệu rất đáng để Việt Nam học hỏi. Singapore độc lập, không còn là thuộc địa, phải tự mình liên hệ với các mối làm ăn để đem lợi nhuận tối đa về cho dân tộc. Chứ không phải là kiểu “tiểu ngạch”, tương tự cái cách mà gạo Việt Nam phải nhập qua Thái Lan, và nhờ Thái Lan xuất khẩu giúp, điều này không chỉ khiến kinh tế Việt Nam thua kém,  gạo Việt Nam không được biết đến, mà còn khiến nông dân trồng lúa rất thiệt hại. Một nước độc lập, là một nước có quyền thương thuyết. Tuy nhiên, Lý Quang Diệu cũng quan điểm rất rõ ràng: “Hãy nhớ cho, Singapore không thể tự do tồn tại được, và không một quốc gia nào có thể tự phụ rằng mình tồn tại một mình được.”

Kinh tế thị trường hòa lẫn trong tự tôn dân tộc, Lý Quang Diệu đã quán triệt điều đó trong việc xây dựng kinh tế Singapore.

Xuyên suốt cuốn sách còn là bóng hình một người phụ nữ trong đời của Lý Quang Diệu, người vợ, người tình đầu tiên của ông, đã ở bên ông trong bao thăng trầm của cuộc đời, đã là động lực để ông đi giải phóng phụ nữ ở quốc gia mình. Lý Quang Diệu tin rằng “Một đất nước sẽ không phát triển nếu phụ nữ chưa được giải phóng”. Ông có niềm tin son sắt vào điều ấy, vì Choo – vợ ông là một phụ nữ xuất sắc. Singapore sau đó đã soạn thảo lại Hiến chương về phụ nữ, hòng đưa những người phụ nữ xuất sắc hơn đấng mày râu bước lên vũ đài xây dựng đất nước.Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là vậy.

Đây không phải là một cuốn sách dạy làm giàu, cũng không phải là cuốn sách dạy làm người. Đây là hồi ký của một chính trị gia đã đi qua một hành trình dài để đưa Singapore trở thành “Con rồng châu Á”, nhưng cũng là hồi ký được viết bởi một sinh viên xuất sắc, một con người thành đạt đã làm gì, đã suy nghĩ thế nào?

Nếu bạn là một sinh viên tốt, bạn có thể học hỏi rất nhiều ở Lý Quang Diệu trong cuốn sách này. Nếu bạn là một công chức – viên chức mẫn cán, bạn cũng có thể học được rất nhiều từ cách Lý Quang Diệu đã chiến thắng ở những cuộc chơi trính trị mà cái tâm thì luôn dành cho dân tộc. Chính các câu chuyện của một lối sống khoa học, sự kiên định với lý tưởng, và cách tạo ra các mối quan hệ với đủ thành phần của Lý Quang Diệu, hoàn toàn là bài học của cả cuộc sống.

Lời kết của cuốn sách này xin kể hầu các bạn thêm một kiến thức lịch sử Việt Nam. Đó là câu chuyện về Cao Bá Quát. Cao Bá Quát là một thiên tài về thi ca và văn chương, ông từng ngạo mạn mà nói rằng "Cả thiên hạ có 4 bồ chữ, anh Bá Đạt (anh sinh đôi của Cao Bá Quát) và ông Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, một mình tôi chiếm hai bồ, còn một bồ thì phân phối cho cả thiên hạ”.

Cho đến một ngày Cao Bá Quát được mời đi sứ ở Tân Gia Ba (Singapore). Chứng kiến Singapore phồn thịnh và kỹ nghệ phát triển, ông đã làm bài thơ:
“Tân Gia từ vượt con tầu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la
Giật mình khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi...”

4 câu thơ ấy là cái giật mình cách hơn 200 năm của Cao Bá Quát, ông mong rằng, chúng ta có thể học tập được gì từ đó mà đưa Việt Nam tiến lên.

Những ngày này, thủ tướng Lý Hiển Long đang ở thăm Việt Nam, ông là thủ tướng Singapore đương đại, cũng là người con trai đầu của Lý Quang Diệu. Hôm qua, ông đã tặng cuốn sách về cha mình cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Còn gì đẹp hơn điều đó?

Cuối cùng, tôi gửi đến các bạn link đặt sách cho những ai muốn đặt mua cuốn sách này:

goo.gl/MwqIaW

Tôi hy vọng rằng, các bạn sẽ tìm được cho mình những điều đặc biệt ở trong đó.

Thân ái !

(Dũng Phan)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến