Chính hay tà chỉ cách nhau trong một ý niệm

[Chính hay tà chỉ cách nhau trong một ý niệm]

Những nhân vật phản diện trong tiểu thuyết Kim Dung thông thường khá đa dạng, có kẻ vừa xuất hiện đã gian ác như Âu Dương Phong, Huyết Đao Lão Tổ, Vân Trung Hạc, có kẻ vì hoàn cảnh đẩy đưa như Đoàn Diên Khánh, Diệp Nhị Nương, kẻ khác vì thù hận sâu đậm mà trở nên tàn ác như Tiêu Viễn Sơn, có kẻ thì giả nhân giả nghĩa như Nhạc Bất Quần, Thích Trường Phát...Bất kể là mẫu ác nhân nào thì cũng có một điểm chung là vì lợi ích bản thân hay trải qua cú sốc tâm lý. Tưởng chừng những mẫu ác nhân trên đời đã được Kim Dung khai thác hết, nhưng dưới ngòi bút của Tiêu Đỉnh, người mở đầu cho trào lưu tiên hiệp đầu thế kỷ 21, trong tác phẩm Tru Tiên ta lại thấy có những mẫu nhân vật phản diện rất mới lạ, không hề lặp lại lối mòn của các nhà văn võ hiệp trước đó. Một là Đạo Huyền Chân Nhân thủ lĩnh chính đạo ở Trung Nguyên, hai là đại ma đầu Thú Thần của Nam Cương. Trong phạm vi bài viết này ta chỉ nói về Đạo Huyền mà thôi.

Chưởng môn Thanh Vân Môn Đạo Huyền chân nhân là một nhân vật khá đặc biệt trong tiểu thuyết võ hiệp nói chung. Ban đầu ông ta là một nhân vật đức cao trọng vọng lẫy lừng của chính phái, là mẫu người chính khí hiên ngang hết lòng vì chính đạo, nhưng tạo hóa trêu ngươi, chính lúc ông ta ở trên đỉnh cao của danh vọng thì lại bắt đầu đi vào ma đạo trở thành kẻ vạn kiếp bất phục.

Nguyên nhân đi vào ma đạo của nhân vật này rất đặc biệt, ông ta vốn không phải là một kẻ đại gian ác hay ngụy quân tử, hoặc có tham vọng dã tâm nào to lớn... mà tất cả là vì '' sư môn và thiên hạ chúng sinh ''. Đầu tiên Đạo Huyền được biết đến là thủ lĩnh phe chính đạo, với mấy trăm năm tu tập, hiển nhiên đạo hạnh cực kỳ cao thâm, trong môn phái còn sở hữu một thanh tuyệt thế thần binh. Đó là Tru Tiên cổ kiếm lừng danh có sức mạnh hủy diệt thiên địa. Cũng chính thanh kiếm này vừa là cứu tinh cũng là ngôi sao xấu đem lại bất hạnh cho người sử dụng nó.

Theo đó lai lịch của thanh kiếm này vốn được Thanh Diệp tổ sư của Thanh Vân Môn phát hiện trong Ảo Nguyệt Động Phủ, hậu động phía sau Thông Thiên Phong cũng là cấm địa của Thanh Vân Môn. Nhờ thanh cổ kiếm này mà chưởng môn Thanh Vân các đời có công lực đạt Thái Thanh cảnh giới của Thái Cực Huyền Thanh Đạo đều thể huy động được linh khí của bảy sơn mạch trong núi Thanh Vân, tạo thành Tru Tiên kiếm trận không gì đương cự nổi để bảo vệ Thanh Vân Môn và dương danh thiên hạ. Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó, Tru Tiên kiếm vốn là kết tinh của lệ khí trời đất có từ thời thượng cổ, nên việc sử dụng nó nguy hiểm như con dao hai lưỡi, tay nắm đuôi rắn thì sớm muộn gì cũng bị rắn cắn. Vì sức mạnh quá lớn nên chính người dùng cũng chịu sức phản phệ từ kiếm trận, đạo pháp càng cao thì ma tính xâm nhập càng mạnh.

Đạo Huyền chân nhân cũng không ngoại lệ, trong sự nghiệp trăm năm lãnh đạo Thanh Vân Môn của mình, vì bất đắc dĩ ông phải hai lần huy động Tru Tiên kiếm trận để bảo vệ sư môn và cứu bách tính thiên hạ. Lần thứ nhất là đại chiến chính - ma, vì bất ngờ không có sự chuẩn bị, lại thêm có nội ứng do người sư đệ thân cận của ông là Thương Tùng làm phản khiến ông cùng lúc mang 2 vết thương là chất kịch độc của Thất Vĩ Ngô Công và vết thương chí mạng do Đoạn Tương Tư Thần Trủy gây ra. Do không còn sự lựa chọn nào khác ông buộc phải dùng tới Tru Tiên Kiếm, và kết quả dễ dàng chuyển bại thành thắng, đẩy lùi cuộc tập kích của tứ đại phái phiệt ma giáo.

Lần thứ hai ở mức độ nghiêm trọng hơn, sau đó 10 năm là sự kiện Thú Thần ở Nam Cương hồi sinh, với đội quân yêu thú hùng mạnh, sức mạnh tà ác của Thú Thần như làn sóng thủy triều quét từ nam lên bắc, thật là thảm họa ngàn năm hiếm gặp. Cả thiên hạ lúc này đối mặt với nguy cơ tuyệt diệt, một lần nữa Đạo Huyền buộc phải dùng tới Tru Tiên kiếm trận, nhưng đối thủ lần này mạnh hơn rất nhiều, đến nỗi ông đã tận lực hết sức, huy động tới 49 đợt công kích vẫn không làm gì được đối thủ, cuối cùng ông phải hạ quyết tâm khai mở phong ấn của Thiên Cơ Ấn, huy động sức mạnh của bảy đỉnh núi Thanh Vân hợp lại mới khiến cho Thú Thần trọng thương bỏ chạy. Nhưng cũng chính từ giây phút này ông đã không còn đường để quay lại.

Thành công trong việc bảo vệ chúng sinh, danh vọng Thanh Vân Môn và cá nhân ông ta đã lên tới cực điểm, có thể nói không thua kém gì Thanh Diệp tổ sư ở thời đỉnh cao. Cũng chính từ lúc này ông ta lạc vào ma đạo không cách gì thoát ra được. Nguyên nhân chính là ở chỗ chấp niệm của ông ta quá lớn. Lớn ở chỗ danh vọng sư môn cần phải bảo vệ và phát huy, vì nó ông ta có thể làm tất cả mọi chuyện, kể cả hi sinh bản thân mình. Ta thấy rằng ngay khi đã nhập ma đạo, đầu óc ông ta vẫn rất tỉnh táo, bao nhiêu chất chứa trong lòng lúc này bắt đầu bộc lộ ra, tính cách ngày càng khắc nghiệt, ông ta chê trách các sư đệ muội, không ngần ngại vạch ra dã tâm hay sai lầm của họ, điều mà lúc bình thường ông luôn giấu kín, khi bị Trương Tiểu Phàm vấn tội, mặc dù đầu óc đã điên cuồng nhưng ông ta vẫn nhớ rất rõ là mình có công ơn rất lớn với chúng sinh thiên hạ, chính vì bảo vệ họ mà ông ta mới thân tàn ma dại như ngày hôm nay.

Ngoài ra cuộc đời ông ta trăm năm trước đó còn trải qua một cú sốc tâm lý khá lớn, đó là việc chính tay hạ sát sư phụ mình, người thầy mà ông ta hết mực tôn kính cũng vì lệ khí khi sử dụng Tru Tiên Kiếm mà trở nên điên cuồng, và cách duy nhất để giải thoát là tiễn ông ta về trời. Còn gì đau khổ cho bằng chính tay hạ sát sư phụ của mình, và bí mật đó phải chôn giấu mãi trong lòng để bảo toàn thanh danh cho sư môn (vì việc Tru Tiên kiếm có lệ khí tà ác chỉ có chưởng môn truyền đời mới được biết)

Bởi vì mang 2 chấp niệm quá lớn trong lòng, một vinh dự, một thống khổ cho nên mặc dù có mấy trăm năm tu đạo, công lực thông thần ông ta vẫn không chống lại được lệ khí tà ma xâm nhập, để rồi từ một tiên nhân đạo cốt tiên phong trở thành tên đại ma đầu tàn ác.

Có lẽ do thấu hiểu nổi thống khổ của nhân vật mình tạo ta nên Tiêu Đỉnh đã dàn xếp cho ông một cái kết khá viên mãn. Ta thấy mặc dù là một tên đại ma đầu nhưng thanh danh ông không hề mất vì có rất ít người biết bí mật này, một nửa trong số đó cũng đã chết, còn lại Trương Tiểu Phàm và Lục Tuyết Kỳ cùng bọn người Chu Nhất Tiên cũng không nói ra.

Rồi ở trận chiến cuối cùng trong Ảo Nguyệt Động Phủ giữa ông và Trương Tiểu Phàm ta thấy đáng lẽ phải là một trận chiến kinh thiên động địa nhưng kết quả lại khá bất ngờ, ngay lúc ông ta dùng Tru Tiên kiếm định kết liễu Trương Tiểu Phàm vốn không hề có ý kháng cự thì anh linh người sư đệ Vạn Kiếm Nhất của ông ta bất ngờ xuất hiện để điểm hóa ông ta.

'' Hình ảnh chàng thanh niên cương nghị vẫn nguyên vẹn nụ cười: "Sư huynh, sao huynh vẫn không chịu tỉnh lại?"

Đạo Huyền chân nhân ngước đầu nhìn lên, đôi mắt đờ đẫn, miệng lẩm bẩm: "Tỉnh lại, tỉnh lại cái gì?"

Chàng thanh niên áo trắng chăm chú nhìn lão, ôn tồn: "Sư huynh, huynh thông minh một đời, sao lại chịu hồ đồ một phút? Hãy vứt bỏ những ý niệm thế tục, vứt bỏ những dục vọng vô nghĩa về sức mạnh vô địch ấy đi! Bao nhiêu năm tu đạo, lẽ nào cuối cùng huynh lại sa vào con đường này?"

Thân thể Đạo Huyền chân nhân dần run bắn lên, giờ đây nhìn lão hoàn toàn đã là một lão nhân già yếu. Trong ý niệm cuối cùng của cuộc đời, lão cố giãy giụa, muốn nhìn thấy rõ hơn con đường đi về phía trước: "Chúng ta... tu đạo... là vì cái gì...?"
...
Giọng nói ôn tồn của chàng lại cất lên: "Sư huynh, hãy buông đi!"

...

Sau câu nói này thì ông ta hoát nhiên đại ngộ " Ta quả là ngốc nghếch, mất bao nhiêu thời gian mới hiểu được..." Hiểu được cái gì? Là hiểu được chấp nhiệm về thân phận địa vì, về cơ nghiệp tổ tông, về thiên hạ chính đạo cần phải phát dương quang đại...tất cả chỉ là trở ngại trên con đường dẫn tới giải thoát. Chính những chấp niệm này làm ông ta yếu đuối và luôn lo sợ, lo sợ một ngày nào đó mình không bảo vệ nổi, toàn thể sự nghiệp tiêu tan, thanh danh hủy hoại trở thành tội nhân thiên cổ.

Không có can đảm đối diện với thất bại đó là biểu hiện của người yếu đuối, vì vậy mà không chống lại được ma tính của chí tà hung vật mang tên '' Tru Tiên ''. Người can đảm là dám đương đầu và chấp nhận thất bại, là người ở trong nghịch cảnh vẫn không đánh mất niềm tin, sự lạc quan...Mặc dù có mấy trăm năm tu đạo huyền môn nhưng vì cái '' sở hữu '' của ông ta quá lớn cho nên nó trở thành chướng ngại trong việc giải thoát. Trường hợp này ta nhớ tới Cưu Ma Trí của Kim Dung. Ông ta vốn là một cao tăng hữu đạo thông hiểu Phật pháp nhưng lại lạc vào mê đạo cũng vì chấp niệm và tham vọng quá lớn, nhưng khi bị Đoàn Dự vô tình hút hết công lực ông ta mới hoát nhiên đại ngộ trở về với chánh pháp.

Tu hành là thực tập buông xả, chính hay tà chỉ cách nhau trong một ý niệm, chỉ cần không thẹn với lòng thì đó là chính đạo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến