THẾ TÌNH NHƯ SƯƠNG

THẾ TÌNH NHƯ SƯƠNG
-------------------

Trên đời.

Đơn độc có thực sự đáng sợ nhất không?

Khi chung quanh không còn ai, chỉ mình ta trong bóng đêm u mê vô định! liệu đó có phải là lúc đáng sợ nhất hay không?

Không!

Đáng sợ nhất, không phải là đơn độc!

Tịch mịch mới là thứ đáng sợ nhất, Đơn độc chỉ cần vượt qua nghịch cảnh, gặp lại thế nhân đã có thể không còn đáng sợ nữa.

Tịch mịch là khi y đứng giữa thế nhân, ở trong hoan lạc, sống giữa hỉ nộ ái ố vẫn không thể thuộc về nơi đó.

Y đứng giữa nhân sinh cũng như ở giữa u minh, vẫn vĩnh viễn không thể thuộc về nó, đó chân chính là lúc y cảm thấy tịch mịch đáng sợ biết dường nào.

“Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ” (1)

(Ngẫm trời đất mênh mông
Riêng ta lệ ngậm ngùi)

Cuộc đời y kể từ lúc gặp được Cổ Long cũng như thế, một kẻ lúc gặp người hiểu mình nhất, lại thường cảm thấy một thứ tịch mịch thê lương…

Y bá vai Cổ Long để hành tẩu tứ phương, đạm khán giang hồ lộ, y chấp nhận tịch mịch của mình trong thế giới của ông, bởi từng câu chuyện của ông đâu đó đều có lát cắt cuộc đời y trong đó, chẳng cần ai trân hưởng, tự y đã tìm thấy nó cho riêng mình.

Đã lâu lắm rồi y không còn màng đến những đàm tiếu mà giang hồ dành cho ông, nó đã quá xa khỏi sự tịch mịch của riêng y, hay đơn giản nó chẳng còn chút ảnh hưởng nào đến sự trân hưởng mà y dành cho ông.

Cho đến những ngày gần đây, võ lâm minh chủ tạ thế. Sự kiện ấy nhất định đã chấn động võ lâm, người người nói về cái chết của minh chủ, và trong những câu chuyện đó, họ lại lôi ông ra, những tranh luận từ xưa như như ngọn lửa tưởng chừng đã lịm dần lại như được cơn gió lốc thổi bùng lên mạnh mẽ.

Y tri âm những bình phẩm công bình dành cho ông, bởi những tranh cãi hơn mấy mươi năm qua, vẫn không thể loại bỏ được vị thế của ông bên cạnh minh chủ.

Nhưng đâu đó vẫn có những suy nghĩ dẫn tiến đến chủ quan, quá phiến diện, đến nỗi y trộm nghĩ những kẻ đó thực sự đã đọc bao nhiêu truyện của ông, hay chỉ mới lướt qua vài cái, hay nghe ai nói vài câu.

Cũng chẳng trách họ được, khi mà bản gốc của tác giả vốn đã không ổn định, bản dịch lại càng gây hoang mang, nó phần nào khiến cho cái nhìn về ông dần bị sai.

Vốn định không nói gì về điều này, nhưng rồi lại cảm thấy cần nói ít lời, chẳng phải để biện minh cho ông, nhưng chỉ là để khi nâng chén tự thưởng thức những tác phẩm của ông lòng y không cảm thấy tự hổ thẹn.

Ngoài những nhận định vu vơ kiểu như “bố cục rời rạc” “đầu voi đuôi chuột”, hay như “đọc một lần không thể đọc lần hai” thôi thì không bàn đến làm gì, cái này có nói cũng không thể chia sẻ.

Giang hồ lại nói nhiều khi bí quá ông lại trộm ý tưởng của người khác làm của mình, cái này 🙂 lại không cần nói, bản thân ông đã nói về việc này trong cuốn “Ai cùng tôi cạn chén” bằng hữu nào quan tâm đến ông thật sự có thể tìm đọc trong đó.

Giang hồ lại bảo, nữ nhân của ông chỉ có phong tình, dâm đãng và đầy thị phi, nữ nhân của ông thường không được tôn trọng, cái này y lại hoàn toàn không đồng tình. Cổ Long có thể rất phong lưu, có thể không tôn trọng phụ nữ ngoài đời thực, cái đó y không bình phẩm bởi y không gặp ông thực sư, nhưng cho dù có gặp thực sự, liệu có mấy ai hiểu được con người của ông, nhưng nữ nhân mà ông kể, không phải chỉ có như thế, y lại thấy ông hiểu nữ nhân nhiều hơn những gì người ta nói về ông, ông gửi gắm bao yêu thương và chia sẻ về người phụ nữ trong những nhân vật của mình.

Ở đó tuy có nữ nhân phong tình dâm đãng như Lâm Tiên Nhi, biến thái và tàn độc như Thạch Quan Âm, nhưng đó không phải là đại diện toàn bộ nữ nhân của ông. Ông vẫn có một Phong Tứ Nương hào sảng, phóng khoáng, dám yêu dám hận, nhưng nàng lại không phải loại lăng loàn dâm đãng, trinh tiết của nàng rốt cục chỉ dành cho một người, duy nhất một người mà nàng yêu thương nhất. Ông vẫn có một Tô Dung Dung thông minh cơ trí và đầy cẩn mật, có lẽ chỉ có nàng mới xứng đáng với một kỳ nhân như Sở Lưu Hương. Ông vẫn có một Điền Tư Tư ngây thơ trong sáng, phiêu dạt giữa giang hồ đầy gió tanh mưa máu, nếu không có Dương Phàn, không biết một nữ tử như nàng sao có thể bình bình an an lướt qua mũi đao ngọn kiếm giang hồ. Nữ nhân của ông đặc biệt, bởi nữ nhân của ông dám làm điều lớn lao, nữ nhân của ông thật sự có thể khuấy động giang hồ, hô mưa gọi gió như cái cách mà Thượng Quan Tiểu Tiên đã gây dựng lại Kim Tiền Bang của mình, đối đầu với Ma Giáo, nếu không có Đinh Linh Lâm có lẽ y cũng mong Diệp Khai đáp lại tình cảm của nàng…

Giang hồ vẫn nói, nữ nhân của ông có ai đáng thương? Tiểu Long Nữ còn phải vượt qua lễ giáo, mòn mỏi mười sáu năm mới được kết cục viên mãn với Dương Quá, Lăng Sương Hoa còn phải tự huỷ dung nhan chỉ để ngày ngày được chưng một chậu hoa để được cùng tình lang Đinh Điển viết nên mối tình diễm tuyệt. còn nữ nhân của ông có gì chứ?

Nữ nhân của ông có thống khổ, nhất định rất thống khổ, nỗi thống khổ không thể gào thét cho thế nhân, Huyết Nô vốn là một công chúa, cuộc đời của nàng vốn đầy màu hồng cho đến khi vương phủ của nàng thọ nạn, nàng từ một nữ nhân sống trong nhung lụa bỗng rớt xuống tận cùng của xã hội thành một nữ tử nơi lầu xanh, miệng lưỡi thế gian có là gì, nàng chỉ mong cứu được phụ thân của mình ra, trong vũng bùn của xã hội ấy số mệnh cho nàng gặp được Vương Phong, cho con tin nàng thổn thức, nhưng rốt cục, khi nàng tưởng chứng có thể cứu được cha mình thì cha nàng đã bỏ mạng, Vương Phong rốt cục phải ra đi khi mà sinh mệnh của hắn cũng không thể cứu vãn, Tiểu Long Nữ chỉ mất mười sáu năm vẫn có thể trọn đời hạnh phúc bên Quá Nhi, nàng thậm chí còn không có được mấy mươi ngày hạnh phúc cuối đời bên Vương Phong, đâu những thế, còn có Bạch Phi Phi, hay Đinh Tàn Diễm.

Giang hồ lại nói, do kiến thức của ông không có nên thường không viết nhiều về câu chuyện, chỉ viết về tình tiết, không đặt trong bối cảnh rộng, võ công không miêu tả rõ ràng, chỉ quăng quật phi ném, một chút loé lên rồi thôi, như lưu tinh, như hồ điệp như đao phong…

Nhận định này thực ra không sai, chỉ là hơi không đủ. Xuất thân của ông không tốt, việc học cũng không đến nơi, nên học thức đúng là sở đoản của ông.

Nhưng những câu chuyện của ông không phải là không có tình tiết, nhân vật của ông không phải là không có thân thế, câu chuyện về Tiểu Ngư Nhi và Hoa Vô Khuyết chẳng phải được bắt đầu ngay từ thời cha mẹ họ, khi họ sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi mới đối đầu, hiểu nhầm rồi mới nhận ra nhau sao. Thiết Trung Đường không phải bước ra là đã thành đại hiệp, y cũng phải gặp kỳ sự, uống được kỳ dược dần dà mới học được Thất Tiên Nữ Trận và Duy Ma Quyền, rồi mới được luyện qua Tước Hương Kiếm Quyết, sau này lại được truyền Giá Y Thần Công mới có được một thân võ công như thế.

Võ công của ông đâu phải chỉ là một chớp loé lên, đao đã đến đích, ánh kiếm vừa chớp, người đã đoạn hồn. Ông vẫn có những pho võ công đồ sộ như “ngũ Tuyệt Thần Công” của Âu Dương Đình, “Hoá Thạch Thần Công” của Mộ Dung thế gia, “Minh Ngọc Công” trong tay Yêu Nguyệt Cung chủ, hay “Giá Y Thần Công” của Yên Nam Thiên.

Tỷ như “Giá Y Thần Công” được nhắc đến trong hai bộ “Đại Kỳ Anh Hùng Truyện” và “Tuyệt Đại Song Kiêu” vốn là một bộ võ đạo thiền tông, chân khí vô cùng mạnh mẽ, thuộc chí cương chí dương, thâm ảo vô song, tu luyện rất khó, nhưng nếu luyện thành lại có thể tự xưng vô địch, thế nhưng muốn luyện thành lại phải mất ít nhất là 20 năm khổ luyện, hai chữ “Giá Y” vốn mượn ý từ hai câu thơ 

“Cổ hận niên niên áp kim tuyến,
Vị tha nhân tố giá y thường” (2)

Giá Y ở đây nghĩa là áo tân nương, ý là những cô gái quanh năm may áo tân nương nhưng lại khó được 1 lần mặc nó, cho nên loại võ công này chính mình luyện lại vô dụng, công lực càng cao khổ càng sâu, cho nên luyện đến sáu bảy thành lúc, muốn đem luyện thành công phu toàn bộ bị phá huỷ, sau đó, từ đầu luyện thêm. Cái này gọi là “Dục Dụng Kỳ Lợi, Tiên Toả Kỳ Phong” (muốn dùng cái bén, trước tiên phải bỏ cái nhọn) thần công sau khi xả đi 1 lần, luyện lại lần 2 dĩ nhiên thành thạo, có thể phát huy vô cùng tinh tế, thu phát tự nhiên như trường hợp của Yến Nam Thiên, hoặc là bản thân tu luyệt khi gần đại thành phải truyền cho người khác mới phát huy được đỉnh điểm của bộ võ công này, như trường hợp phu nhân của Dạ Đế sau khi ngộ ra điều này đã truyền hết cho Thiết Trung Đường.

Những điều này ông thường chỉ viết trong các tác phẩm giai đoạn đầu của mình, và nếu ông cứ tiếp tục viết như thế, mãi mãi ông sẽ chỉ là cái bóng sau lưng người khác, chỉ có thể bước vào bước chân kẻ đi trước, đi lại con đường bao kẻ đã đi qua, để sau này người ta sẽ nhìn ông như nhìn rất nhiều tác gia võ hiệp ngày đó, đây mới chính là lý do ông bắt đầu viết những điều mà giang hồ gọi là “như lưu tinh, như hồ điệp, như kiếm quang” ấy.

Bởi một con người vốn cao ngạo như ông phải đi con đường của riêng mình, phải bước trên con đường mà chính mình mổ lối, để rồi suốt những năm tháng sau đó người là mới mang ông ra để so sánh, để đối trọng chứ không phải là một tác gia nào khác.

Cho nên, cái ngày mà y bước chân vào thế giới của ông, y đã tiếp cận tịch mịch của chính mình. Với y, cái hay của minh chủ chính là viết cho mọi người cùng đọc, còn ông, ông chỉ viết cho từng người nghiền ngẫm mà thôi.

“Thiên Tâm Nan Trắc
Thế Tình Như Sương” (3)

———–

[TP]

(1) trích "U Đăng Châu Đài Ca" của Trần Tử Ngang.
(2) trích "Bần Nữ" của Tần THao Ngọc.
(3) trích câu ca của Tiêu Thập Nhất Lang.

----------
Nguồn : Blog tuynhuphong.wordpress.com
Ảnh minh hoạ : phim "Nhất Đại Tông Sư"

Nhận xét

Bài đăng phổ biến