Thực hư chuyện “Khổng Minh không biết dụng binh”?
Trong hàng nghìn năm lịch sử Trung Quốc, vấn đề năng lực thực sự của Khổng Minh vẫn luôn là chủ đề bàn cãi. Rốt cuộc, ông nên được gọi là danh tướng hay… danh thần Thục Hán?
Tượng Khổng Minh tại Khu du lịch văn hóa Gia Cát Lượng, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của tác gia Minh triều La Quán Trung đã xây dựng hình tượng Gia Cát Lượng “thần cơ diệu toán” được ngưỡng mộ suốt hàng trăm năm. Những điển tích như hỏa thiêu dốc Bác Vọng, hỏa thiêu Tân Dã, thuyền cỏ mượn tên, mượn gió Đông cho đến “thất cầm Mạnh Hoạch”, “lục xuất Kỳ Sơn”… đã trở thành những câu chuyện truyền kỳ. Tuy nhiên, không thể sử dụng “Tam Quốc diễn nghĩa” như một tài liệu lịch sử chính thống, bởi tác phẩm này có tính thiên vị chính trị quá lớn.
Thực tế, khi đọc bộ sử “Tam Quốc Chí”, đánh giá của sử gia Trần Thọ về Gia Cát Khổng Minh từng khiến nhiều người “khó chấp nhận sự thực”. Theo Trần Thọ, Gia Cát Lượng “giỏi quản lý quân đội, trị quân nghiêm khắc, song tài mưu lược không được xuất sắc. Ông có tài trị lý quốc gia bách tính. Bản lĩnh tùy cơ ứng biến không phải sở trường của Lượng”. Nhìn chung, Khổng Minh được đánh giá là “tài giỏi” trong vấn đề quản lý quân đội, có thể gọi là “thần cơ diệu toán” trong lĩnh vực này. Song năng lực quản lý hành chính của ông còn được đánh giá cao hơn so với khả năng quân sự.
“Tam Quốc Chí” có đáng tin?
Sự trái ngược phũ phàng giữa hình ảnh “thần nhân” trong tiểu thuyết và một danh nhân “có năng lực” trong sách sử khiến không ít “fan hâm mộ” của Gia Cát Lượng từng đặt ra nghi vấn về độ tin cậy của những gì Trần Thọ viết trong “Tam Quốc Chí”.
Luận về thân phận, Trần Thọ vốn là quan nhà Thục Hán, là đồng liêu với Gia Cát Chiêm – con trai Gia Cát Lượng. Có thể khẳng định, Trần Thọ là nhân chứng lịch sử và là người “chiếm hữu tư liệu lịch sử hàng đầu thời đại Tam Quốc”. Lời nói của ông do đó có thể tin tưởng được. Thực tế rằng Khổng Minh đã không thể chiến thắng ở cả 6 lần Bắc phạt đánh Ngụy cũng được cho là phần nào nói lên năng lực quân sự của ông, bỏ qua những chênh lệch khách quan khác giữa Thục và Ngụy. Trong lịch sử Tam Quốc, dù các chiến dịch Bắc phạt của Khổng Minh không hoàn toàn thất bại, nhưng cũng không hề mang lại kết quả thực tế nào cho Thục Hán. Minh chứng rõ ràng nhất là lãnh thổ nước này đã không được mở rộng thêm qua chiến lược này của Gia Cát Lượng.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng Trần Thọ “không công bằng khi đánh giá Gia Cát Lượng”. Nguyên nhân được cho là cha ông từng tham gia chiến dịch Nhai Đình trong cuộc Bắc phạt lần 1. Trận này, Thục Hán đại bại và để mất cứ điểm Nhai Đình. Chủ soái Mã Tắc bị Lượng chém đầu, còn cha Trần Thọ cũng bị trừng phạt bằng cách… cạo đầu hình âm dương. Do đó, có học giả nhận định, có khả năng Trần Thọ “ôm định kiến đối với Gia Cát Lượng” và cố ý hủy hoại hình ảnh Thừa tướng Thục Hán trong bộ sử của mình, thậm chí cáo buộc “Khổng Minh không biết dụng binh, khiến cha ông phải gánh chịu hậu quả”.
Thế nhưng, kỳ thực sử gia đời Tây Tấn này vẫn dành những đánh giá khách quan về tài năng của Gia Cát Lượng. Trong “Tam Quốc Chí”, ông từng khen Lượng “tài năng vượt trội, có khí chất anh hào”. Những đóng góp của ông như cải tiến liên nỏ tiễn, phát minh “trâu gỗ ngựa máy” làm phương tiện vận chuyển… cũng được ghi nhận. Trần Thọ nói Khổng Minh không biết dụng binh, nhưng những điểm sáng được thừa nhận trong đời binh nghiệp của Lượng vẫn được ghi lại một cách công bằng. “Sau khi Lượng mất, Thục Hán rút quân. Tư Mã Ý tuần sát chiến địa quân sự Lượng để lại, cảm thán – ‘Đúng là bậc thiên hạ kỳ tài’.” -Tam Quốc Chí có đoạn viết. Đương nhiên, những nghiên cứu hiện đại đã khẳng định quan điểm “Khổng Minh không biết dụng binh” là không chính xác và thiếu công bằng.
Có nhiều tranh cãi xoay quanh tính xác thực của các sử liệu nói về tài năng của Gia Cát Lượng.
Sau khi Tấn triều thôn tính Tam Quốc nhất thống thiên hạ, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm đã lập tức hạ mệnh lệnh truy tìm và thu thập “Bát trận chiến pháp” của Gia Cát Lượng về làm… giáo trình huấn luyện quân đội, đủ thấy năng lực ở lĩnh vực quân sự của Lượng không phải tầm thường. Thực tế, xét đến tình hình khách quan của Thục Hán, nước này có khoảng hơn 800.000 nhân khẩu (không gồm Nam Trung). Thời chiến có khoảng 80.000 nam đinh nhập ngũ, ra trận khoảng 40.000, số còn lại thực hiện chính sách “ngụ binh vu nông” để tăng gia sản xuất. Thời Lưu Bị phát binh phạt Đông Ngô năm 221, “Tam Quốc diễn nghĩa” nói binh lực Thục Hán có 700.000 cũng là con số “thổi thồng”. Tướng Đông Ngô Lục Kháng – con trai Đại đô đốc Lục Tốn – từng được xưng là “nhất đại thần tướng”, nắm trọng nhiệm trấn thủ phòng tuyến Giang Hoài.
Đương thời nhân khẩu Đông Ngô khoảng 2.3 triệu, binh lực thời chiến khoảng 230.000. Tiền tuyến Giang Hoài của Lục Kháng được cấp 80.000 quân. Lục Kháng chẳng những không dám tấn công Tây Tấn, mà còn thường xuyên dâng biểu lên Ngô chủ Tôn Hạo “tố khổ” rằng binh lực không đủ dùng. So sánh tương quan Ngụy – Thục – Ngô, một điều không thể chối cãi là “vốn liếng quân lực” của Gia Cát Lượng quá ít ỏi, chỉ bằng khoảng 1/2 so với quân số Lục Kháng sở hữu về sau. Tư Mã Ý chưa cần huy động toàn lực cũng dễ dàng có được 120.000 quân trấn thủ biên giới. Khổng Minh tiếng là giương cờ Bắc phạt, nhưng lấy 40.000 quân đi “bao vây” một lực lượng đông gấp 3 lần, nhiệm vụ này đối với bất kỳ thống soái nào cũng là điều quá sức.
Tội đồ thực sự là… Quan Vân Trường?
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự nghiệp mờ nhạt về sau của Gia Cát Lượng chính là việc tướng trấn thủ Quan Vũ để mất Kinh Châu về tay Đông Ngô. Theo “Long Trung đối sách” mà Khổng Minh vạch ra cho Lưu Bị từ năm 207, Bị phải có được Kinh Châu để làm “bàn đạp chiến lược” cho công cuộc bành trướng thế lực.
Theo chiến lược của Khổng Minh, Thục Hán sẽ sở hữu 2 cứ điểm quân sự lớn với 2 hướng xuất phát từ Kinh Châu – do thượng tướng quân Quan Vũ chỉ huy và Hán Trung – do Lưu Bị đứng đầu để thực hiện các mục tiêu bành trướng. Tuy nhiên, thất bại thảm hại của Quan Vân Trường ở Kinh Châu không chỉ phải trả giá bằng mạng sống của ông, mà quan trọng hơn là Lưu Bị đã hoàn toàn mất khả năng thôn tính cánh cung phía Đông, mà cụ thể là cả vùng Giang Đông rộng lớn. Thành công ở phía Tây và Nam không đủ bù lại thiệt hại quá lớn ở miền Đông đã buộc Khổng Minh phải đưa ra quyết sách “dấn thân về miền Bắc” dù biết tính khả thi của chủ trương này không lớn.
Quan Vũ bị cho là “góp phần” làm tụt hậu con đường phát triển sự nghiệp của Khổng Minh.
“Thánh thi” Đường triều Đỗ Phủ có lẽ là nhân vật thấu hiểu mối hận của Gia Cát Lượng, khi ông bày tỏ trong thơ:
Giang lưu thạch bất chuyển
Di hận thất thốn Ngô
Một loạt sai lầm chiến lược của Quan Vân Trường ở Kinh Châu đã biến con đường Hướng Đông của Thục Hán thành phù vân. Chiến dịch trả đũa của Lưu Bị thảm bại trước Lục Tốn ở Di Lăng là cột mốc cho thấy Thục Hán không bao giờ còn cơ hội lấy được Kinh Châu nữa, cũng là dấu hiệu báo trước Khổng Minh Bắc phạt “trù định phải thất bại”.
Về sau, chính “Tấn thư” của Tây Tấn cũng phải châm biếm Tư Mã Ý “coi Thục như hổ”, quân đội ít ỏi của Khổng Minh đánh “co đầu rụt cổ”, phải triệt để áp dụng chủ trương cố thủ mới đánh bại được Khổng Minh. Điều này phần nào góp phần “nói lại cho rõ” về năng lực của ông. Đương nhiên, sử liệu “Tấn thư” đã được chỉnh lý bởi bàn tay của hậu nhân nhà Hán là Lưu Thông. Sau khi Lưu Thông diệt Tây Tấn, lập triều Hậu Hán đã tuyên bố thẳng thừng: Ông là cháu nội của Lưu Thiện (con trai Lưu Bị), cần phải… đòi lại công bằng cho tổ tiên.
Thời kỳ Ngũ đại thập quốc, chính quyền phương Bắc luôn duy trì thái độ khinh miệt đối với tập đoàn Tào Ngụy và Tư Mã gia. Kể từ giai đoạn này, chính quyền phương Bắc đã thuận theo xu thế “hạ thấp Tào Tháo và Tư Mã Ý, đề cao Gia Cát Lượng”. Học giả Đông Tấn Tập Tạc Xỉ thậm chí còn “bái phục sát đất tài năng quân sự” của Lượng. Càng về sau này, địa vị của Gia Cát Lượng càng trở nên “chí cao vô thượng”. Tới Đường triều, Gia Cát Lượng đã được xem như “Quân thần”, được rước vào Võ miếu – nơi thờ phụng liệt đại kỳ tài quân sự, hưởng “đãi ngộ” không thua danh thần Trương Lương. Nhìn vào cách mà Gia Cát Lượng và Quan Công được tín ngưỡng dân gian Trung Quốc tôn thờ có thể thấy, đôi khi triết lý “thành bại luận anh hùng” không hẳn là chính xác.
Nguồn: Tri Thức Trẻ
Nhận xét
Đăng nhận xét