TRÙNG KHÁNH SÂM LÂM



CINEMA, MANN UP'S TOP REMARKABLE POSTS OF 20141 Comments

TRÙNG KHÁNH SÂM LÂM By Tuan lalarme · On April 19, 2014







Có lần nửa đêm tự nhiên tôi thèm dứa, vậy là dậy ăn liền một mạch hết đĩa dứa cắt sẵn đang ăn dở hôm trước, ăn xong thì rát lưỡi và bụng khó chịu kinh khủng vì tôi vốn bị đau dạ dày, lại ăn vị chua vào buổi đêm khi đang đói. Giữa cái lúc nhộn nhạo của cơ thể tôi chợt nhớ đến anh bạn cảnh sát 223 trong phim “Trùng Khánh Sâm Lâm” (Chungking Express) – người bị thất tình vào hôm Cá Tháng tư nên mỗi ngày đều đi mua một lon dứa hộp có hạn sử dụng đến ngày 1/5 để chờ bạn gái hồi tâm chuyển ý. Anh ta nghĩ rằng đến ngày đó một là họ sẽ quay lại với nhau, hai là cuộc tình đó sẽ hết hạn mãi mãi như mấy hộp dứa đã mua. Đúng một tháng sau, anh ta lôi cả 30 hộp ra ăn sạch trong một đêm và đi tìm một mối quan hệ mới.




Tôi cũng không biết cái tâm trạng của mình có gọi là thất tình không vì nó không bình thường nhưng cảm giác ăn dứa đêm qua thấy thật đồng cảm với anh chàng cảnh sát này. (Tình cờ là đĩa dứa của tôi cũng sắp hỏng).




“Liệu có cái gì trên đời không hết hạn sử dụng không?”






“Trùng Khánh Sâm Lâm” (Chungking Express) nằm trong bộ ba phim cùng chủ đề của đạo diễn Vương Gia Vệ (Wong Kar Wai).




Có lần tại quán cà phê Năng tôi cùng hai đứa trẻ đang là thành viên của dự án Chúng Ta Làm Phim của Trung Tâm Phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD) nói về một dự án làm phim ngắn của chúng nó. Đôi bạn kể về dự án phim về thất tình đang định làm. Tôi thấy đề tài vừa thân thuộc vừa thú vị nên nói đùa chúng nó rằng chúng mày chưa yêu bao giờ sao lại làm phim về thất tình, thất tình đâu phải cứ tưởng tượng ra là được, phải có trải nghiệm tự thân thì mới tới. Dự án của chúng nó vẫn chưa thành do nhiều lý do.




Nhưng tôi biết mình chỉ đùa vậy thôi, vì thực chất theo tôi nghĩ thất tình chỉ là một trạng thái thăng hoa hơn của cô đơn, mà bản chất con người là cô đơn, việc làm tới hay không tới chẳng phải cứ do trải nghiệm quy định là cần và đủ. Ví như Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express) của đạo diễn Vương Gia Vệ, tôi cá rằng ông không cần trải nghiệm thất tình để làm nên kiệt tác này. Trong bộ phim, cái dấu ấn cá nhân lớn nhất của ông chính là thể hiện mình là một nhà làm phim đại tài vì nó mô tả rất tới nỗi cô đơn. Nhưng trên tất cả, nó đã làm được điều mà nhiều bộ phim không làm được, đó là tạo nên một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, khiến người mê phim mê mẩn vì vẻ đẹp của điện ảnh hơn là tự thân câu chuyện thú vị với những lát cắt đơn tưởng như đơn giản và không có gì đặc biệt.






Bộ phim kể về hai câu chuyện dường như không có mối liên kết gì với nhau. Cả hai câu chuyện đều liên quan đến cảnh sát: hai cảnh sát trẻ, chưa vợ đang ngụp lặn trong đời sống với sự thăng trầm trên đường tình yêu của mình. Cả hai đều ở Hồng Kông trong một khu dân cư đông đúc, làm bạn với viên chủ quán bụng phệ một cửa hàng ăn nhanh già đời. Viên cảnh sát thứ nhất với số hiệu 223 (Takeshi Kaneshiro – Kim Thành Vũ), bị người yêu bỏ đã năm năm nhưng anh không thể quên được người mình yêu. Có những đêm thức trắng anh vừa làm nhiệm vụ vừa làm rất nhiều thứ ngớ ngẩn để giết thời gian, để quên, để tìm tình yêu mới. Cho đến một đêm anh gặp một người phụ nữ vốn là một tay buôn ma túy trong giới giang hồ, sau khi xung đột với chủ đã bỏ trốn và tình cờ gặp anh trong quán bar.




Chúng ta sẽ mong đợi gì, một mối tình ngang trái của viên cảnh sát và “chị hai” trong giới giang hồ ư? Không, Vương Gia Vệ đẩy người ta vào sự hụt hẫng và kể tiếp câu chuyện thứ hai về viên cảnh sát mang số hiệu 663 do Lương Triều Vỹ (Tony Chiu Wai Leung) thủ vai, ban đầu anh yêu một cô tiếp viên hàng không, sau rồi cũng như anh thứ nhất, cô ấy bỏ đi. Những đêm làm nhiệm vụ gần cửa hàng ăn nhanh đã khiến anh cảm mến một cô phụ việc (Faye Wong – Vương Phi) luôn có ước mơ được đến California, người có sở thích nghe nhạc to hết cỡ. Thế là một chuyện tình kì cục diễn ra, hay có thể chỉ là đơn phương, cùng lúc với nỗi buồn thất tình của anh với cô tiếp viên hàng không mà anh vẫn chưa thể quên được.






Nhờ vai diễn này mà Vương Phi (Faye Wong) được trao giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại liên hoan film Stockholm, Thụy Điển.




Quentin Tarantino đã bảo rằng khi ông xem bộ phim này ông chỉ ngồi khóc. Ông khóc không phải vì câu chuyện phim đẹp, buồn và cảm động quá, mà ông khóc vì ông được xem một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, một tác phẩm đẹp trong từng khuôn hình, một tác phẩm dành cho ai yêu điện ảnh đích thực. Vương Gia Vệ với khả năng ma thuật của mình đã biến những câu chuyện tưởng như bình thường từ màu sắc, âm nhạc, lời thoại… trở nên mê hoặc đến kì lạ. Nếu bạn là người mê điện ảnh bạn sẽ mê bộ phim như điếu đổ, nhưng nếu bạn là một người xem phim thưởng thức bình thường muốn tìm đến cái đẹp duy mỹ của nỗi buồn thì bộ phim vẫn sẽ lôi cuốn bạn như thường.




Bộ phim xảy ra ở một thành phố không ngủ, những ánh đèn neon, đèn màu nóng, không khí đêm tinh mát nhưng buồn vì sự nhợt nhạt của màu sắc, những khuôn mặt người vô cảm. Vương đã lôi tất cả những điều đó vào bộ phim để khiến nó trở nên vô cùng cô đơn. Nỗi cô đơn thấm đẫm từng khung hình, từng câu nói, nụ cười ánh mắt của diễn viên. Cô đơn, và bị cô đơn dường như chẳng có gì khác biệt. Người ta vẫn cứ chấp chới trong bản thân mình để đi tìm những điều gì đó xa vời. Anh cảnh sát 223 thích ăn dứa đóng hộp nên đã đi tìm cho đủ 30 hộp dứa hết hạn vào ngày 1/5 và ăn hết sạch vào đêm trước đó, giống như thể sự trống trải đã ứ đầy khiến cho cái dạ dày anh có thể chứa vô hạn những thứ hữu hình, hay như một sự hy vọng người mình yêu sẽ quay lại. Anh nói: “May thích dứa, ngày 1/5 (first of May) là sinh nhật tôi. Nếu May nghĩ lại khi tôi mua được 30 hộp dứa thì sau đó tình yêu của chúng tôi cũng đã hết đát rồi.”






Tay cảnh sát 663 có một trái tim đơn côi, tổn thương nhất phim nhưng lại được Lương Triều Vĩ (Tony Chiu Wai Leung) nhập vai một cách đầy tình người.




Còn anh 663 thì chọn cách không đọc thư do bạn gái cũ của anh để lại cho anh tại quầy bán hàng ăn nhanh quên thuộc hàng đêm. Ai cũng có cách của mình để tránh khỏi những cảm xúc cô quạnh của thất tình. Giống như trong bi kịch của Hy Lạp, ai rồi cũng sẽ phải yêu ai đó, rơi vào yêu rơi vào bể khổ. 223 chọn cách yêu cô gái bất kì nào bước vào quán đầu tiên mà anh thấy, 663 thì cũng trở nên vui vẻ hơn sau nhiều cố gắng kì cục của cô phụ việc Faye tóc tém – người yêu anh thầm lặng. Cả hai sẽ đi đến đâu thì đạo diễn họ Vương chọn cách mọi người tự nghĩ ra cái kết, còn ông – ông thích chơi với cái camera, với ánh sáng, với tình tiết, với bản sắc riêng mình.




Phần đầu là một câu chuyện mang hơi hướng tội phạm, phần hai lại là một bi kịch hài hước, cả hai phần nối với nhau bằng câu nói của anh 223 khi anh nói anh để ý Faye, nhưng Faye đã yêu người khác (ám chỉ 663). Cả hai cũng nối với nhau bằng cửa hàng ăn nhanh “Midnight express”, nơi có lão chủ quán bụng phệ nhưng nói câu nào cũng như triết lý và có những nhận xét rất tinh tường. Như khi ông nhận xét cô phụ việc Faye: ”Đúng, mày không phải là kẻ ngủ mơ ban ngày. Nhưng mày là kẻ mộng du”. Tất cả các nhân vật đều có những cá tính rất điển hình trong tình yêu, những cá tính để người ta nhận diện ra được họ đang yêu, đang thất tình, và đang chìm đắm trong những suy tưởng đầy mông lung, huyễn hoặc và đôi phần mang nhiều triết lý. Những kẻ thất tình luôn là những kẻ biết nói triết lý nhất. Vì có lẽ khi thất tình người ta chẳng có việc gì làm ngoài việc nghĩ và tưởng tượng. Tuy nhiên Lương Triều Vỹ trong phim có phần nhạt nhòa, có lẽ vì ở phần hai của câu chuyện, Vương Phi đã chiếm trọn tình cảm và sự tập trung của khán giả: mái tóc ngắn, người cao gầy, ăn mặc rất giản dị nhưng toát lên sự đặc biệt hiếm có, thích nghe nhạc to, mơ ước được đến California, và có cách thể hiện tình cảm với 663 một cách vô cùng quái chiêu và thú vị. Một phong cách đầy chất văn hóa đại chúng (pop culture) đang thịnh hành ở Hồng Kong lúc bấy giờ.






Lâm Thanh Hà (Brigitte Lin) trong vai người phụ nữ tóc vàng không tên.




Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert đã nói rằng: “Bạn thích bộ phim này vì bạn biết về điện ảnh, chứ không phải vì bộ phim nói được về cuộc đời”. Đúng vậy, bộ phim là một trải nghiệm thường tình của sự thất tình hay nỗi cô đơn, nhưng cái hay của họ Vương là đã lôi nó vào thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp và lôi cuốn, ấn tượng và đầy trải nghiệm về nghệ thuật thứ 7. Giống như nhiều phim khác sau này, mỗi khung hình của Vương Gia Vệ đều có thể dừng lại và tạo thành một hình ảnh đẹp để mô tả cho nỗi buồn chất chứa, hay bố cục khiến người mê ảnh hài lòng.




Bài của Tuấn LaLarme viết cho Mann Up




- See more at: http://mannup.vn/trung-khanh-sam-lam/#sthash.mhhD78JC.dpuf

Nhận xét

Bài đăng phổ biến