Ant-Man và kỳ vọng về bất ngờ tiếp theo của Marvel


Ant-Man và kỳ vọng về bất ngờ tiếp theo của Marvel
Tuan lalarme





Ant Man có những thứ khiến người ta hy vọng nó sẽ đột phá được như phần đầu tiên của Iron Man.

Người sắt là một nhân vật được cha đẻ thiết kế ra để bị ghét, vì hắn ích kỷ, xấu tính, mà lại còn là một thiên tài về máy móc với một khiếu hài hước khiến người khác muốn đánh. Diễn viên chính Robert Downey Jr của bộ phim đó cũng là một kẻ bị nhiều người ghét ở Hollywood cho đến khi thành công bất ngờ của Iron Man khiến sự nghiệp của anh lao vụt lên bầu trời. Iron Man đã làm được điều kì diệu, câu truyện hay, diễn xuất tuyệt vời của Robert Downey Jr. đã khiến bộ phim thành hiện tượng, một bước đà tốt cho Vũ Trụ Điện Ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universese – MCU). Để từ đó, mỗi năm, Marvel lại khuấy đảo phòng vé với những nhân vật siêu anh hùng mang đến sự hài hước và những ước mơ về chủ nghĩa anh hùng của đứa trẻ bên trong chúng ta.

Câu hỏi được đặt ra cho người kiến Ant-Man, liệu Paul Rudd có một bước trở thành ngôi sao hạng A như cách Robert Downey Jr. đã làm được khi vào vai Iron Man 2008?



Chính danh tiếng của những bộ phim Marvel lại đặt một sức ép cực kỳ lớn lên Ant Man. Danh tiếng khiến người ta trông đợi và hy vọng. Danh tiếng khiến người ta đang đánh giá một cách rất nghiêm túc về những bước thụt lùi. Sự thất bại gần đây nhất là Avengers: Age of Ultron (2015). Avengers 2 vẫn tạo ra doanh thu khổng lồ, nhưng nó không còn đứng đầu bảng xếp hạng trong các phim Franchise ra rạp năm 2015 nữa, nó đã bị đánh bại bởi Jurrasic World (2015), và rất có thể là cả Star Wars sẽ trình làng vào cuối năm. Vậy một cánh kiến bé nhỏ, liệu có nói được nhiều điều và mang lại sự khởi sắc cho bản thân Paul Rudd hay Marvel Studios không?

Được khởi động từ năm 2003, đạo diễn kiêm biên kịch Edgar Wright, người đã xây dựng nên những bộ phim hài đình đám Shaun of the Dead, Hot Fuzz… đã xây dựng câu chuyện cho Ant-Man để đề xuất tới hãng Marvel hòng làm phim về một trong những nhân vật siêu anh hùng có khả năng co rút thân thể thành tí hon. Tuy nhiên, những xung đột với bên sản xuất, năm 2014 Edgar Wright rút lui khỏi dự án, nhường chỗ cho đạo diễn Peyton Reed (người làm phim Yes Man, The Break-up). Và cuối cùng, Ant-Man cũng ra mắt vào năm 2015, bối cảnh xảy ra sau sự việc ở phần phim Avengers: Age of Ultron.




Đúng với phong cách làm phim vốn vô cùng quen thuộc dành cho những bộ phim trong MCU, Ant-Man mang đến sự hài hước, đùa cợt, trong một câu chuyện nghiêm túc mang tính huỷ diệt thế giới. Bộ phim mở đầu bằng cảnh phim quay vào năm 1989, khi tiến sĩ Hank Pym (Michael Douglas) quyết định nghỉ hưu, và nhất định không giao lại bí mật về một công thức y học có khả năng thay đổi khoảng cách giữa các nguyên tử, điều mà sẽ giúp cho vật thể thu nhỏ lại với kích thước chỉ bằng con kiến. Hank Pym chính là phiên bản gốc của Ant-Man, mà ở hiện tại, Darren Cross/ Yellowjacket (Corey Stoll), kẻ đã từng là trợ lý của Hank Pym, đang nắm giữ công ty do Pym sáng lập, tìm mọi cách để nghiên cứu ra công thức mà Pym không bao giờ chịu tiết lộ.

Mặc dù vẫn mang đậm chất hài hước, vốn là đặc trưng cho dòng phim siêu anh hùng của Marvel, nhưng Ant-Man đã cố gắng khai thác những yếu tố mới. Nhân vật Ant-Man ở thời hiện tại ban đầu là một tay trộm siêu hạng vừa mới ra khỏi nhà tù. Anh đã muốn đổi đời, làm người tốt, làm một người cha xứng đáng với con gái Cassie đang sống cùng người vợ cũ của mình. Tuy nhiên, do nhiều lý do, Scott Lang quyết định nhận tham gia vào một vụ trôm. Mà đối tượng lần này lại chính là ngôi nhà của tiến sĩ Pym, và thứ duy nhất mà Scott lấy được là bộ quần áo của Ant-Man. Lồng ghép vào phim cách thức xây dựng một vụ trộm như trong Ocean’s 11 (2001). Bộ phim đã để lại ấn tượng tương đối mới mẻ và thú vị. Không giống như Iron Man hay Captain American hoạt động độc lập, Ant-Man cần đồng đội, những người đồng đội, và những chú kiến đồng đội.



Với kĩ thuật chụp Macro của nhiếp ảnh, cùng những thủ thuật với ống kính góc rộng, bộ phim tạo ra được những thước phim rất ấn tượng khi Scott Lang biến thành tí hon. Ở kích thước bé, bối cảnh trở nên choáng ngợp và hút mắt, Ant-Man với kích thước của một con kiến phải tìm cách thích ứng với hoàn cảnh mới, và những khả năng mới, bao gồm việc điều khiển loài kiến và khả năng phóng to thu nhỏ của chính cơ thể mình.

Không nổi bật như Iron Man (2008) ở khía cạnh nhân vật phản diện và những khó khăn mà một người anh hùng phải đối diện bao gồm mất mát và tổn thương. Scott Lang chỉ phải đối diện với một vấn đề duy nhất liên quan đến cảm xúc gia đình để trở về thành một người cha bình thường được chăm sóc con gái mình. Scott Lang không gặp vấn đề trực tiếp với vai phản diện là Darren Cross, kẻ tham vọng trở thành một Hank Pym thứ hai, một bản thể trẻ của Hank Pym, nhưng tham vọng hơn và nguy hiểm hơn.

Chính điều đó khiến cho bộ phim đặc biệt nhẹ nhàng và đẩy lên rất cao tính hài hước, và hoàn toàn mang tính chất giới thiệu nhân vật Ant-Man vốn ít người biết đến một cách cầu toàn để kết thúc phase 2 của MCU (phase 2 bao gồm các phim Iron Man 3, Thor 2, Captain American 2, Guardians of the Galaxy, Avengers 2). Nhưng cũng vì vậy, nhân vật của Scott Lang không phải là dạng nhân vật đột phá để tạo bước đà cho chính diễn viên Paul Rudd. Bộ phim là câu chuyện song song của Scott Lang và tiến sĩ Pym, cũng như cách Ant-Man cần đồng đội để thực hiện nhiệm vụ của mình, nên vai trò của Paul Rudd không tập trung và không có khả năng nắm giữ chìa khoá của câu chuyện phim như cách Robert Downey Jr. đã làm với nhân vật Iron-Man của mình. Hơn, cách phát triển tình cảm, giữa Ant-Man và con gái của tiến sĩ Pym (Evangeline Lilly) có đôi chút gượng gạo mất tự nhiên.



Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, Ant-Man đã tạo ra câu chuyện cho riêng mình, độc đáo hơn và nhiều thú vị khi mà phim siêu anh hùng quá nhiều khiến cho chủ đề này đang có vẻ bội thực sự sáng tạo. Một biên kịch chuyên thực hiện phim hài Edgar Wright và một đạo diễn chuyên làm phim hài Payton Reed hẳn đã tạo ra một chất hài hước thú vị hoàn toàn có thể so sánh với Guardians of the Galaxy ra rạp vào mùa hè năm ngoái. Cộng thêm đó, lần đầu tiên, phim của Marvel nhấn mạnh vào tính cảm gia đình là một khía cạnh tích cực đáng khen ngợi. Khi mà những phim anh hùng càng ngày càng thể hiện ra rất nhiều cảnh hành động và cháy nổ, thì một chút cảm xúc đến từ gia đình, và một siêu anh hùng “bình dân” quả là một điều đáng ghi nhận.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến