19 tháng 4 năm 2016
19 tháng 4 năm 2016,
Khi ở bên kia bán cầu vẫn đang là giữa trưa tại Hoa Kỳ, tên của một người Việt được hàng loạt các tờ báo lớn tại Hoa Kỳ xướng tên với tác phẩm tiểu thuyết xuất sắc nhất giải Pulitzer 2016.
Nguyễn Thanh Việt, tác giả của cuốn tiểu thuyết The Sympathizer, kể về câu chuyện của một gián điệp mang cả hai dòng máu Việt - Pháp, một người mang trong mình sự đối lập giữa hai tư tưởng của hai nền văn minh, hai phe của một cuộc chiến và một cuộc vật lộn trong suy nghĩ chơi vơi bị mặc kẹt ở giữa của con người với số phận đặc biệt này.
Có người ví rằng, trong số các tác phẩm nói về cuộc chiến Việt Mỹ, Nỗi Buồn Chiến Tranh là câu chuyện từ góc nhìn của một người miền Bắc còn The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt là quan điểm của một người miền Nam. Mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng. Tuy nhiên, trong bài của Los Angeles Time, tác giả đã bộc bạch rằng The Sympathizer là câu chuyện mà một người Việt kể cho những người Việt khác. Nếu bạn không sinh ra ở Việt Nam và chưa từng biết về những biến cố lịch sử của đất nước nằm giữa nhiều cuộc xung đột này thì sẽ không thể hiểu hết những gì trong cuốn sách.
Đây là một sự kiện được những người yêu sách trong nước coi là một sự kiện đặc biệt, khi lần đầu tiên một người Việt được đứng cùng hàng với những tác gia nổi tiếng từng được nhận giải thường Pulitzer như Hemingway, Steinbeck, Faulkner hay Harper Lee... mặc dù không thể nói rằng việc The Sympathizer có thể được so sánh ra sao với các tác phẩm kinh điển trong văn học thế giới.
The Sympathizer nhanh chóng nhận được nhiều lời tán dương từ mục bình sách của các tờ báo lớn nhất địa cầu như NewYork Times. Cũng trong sáng nay, hàng loạt trang thông tin trong nước cũng đã đưa tin về sự kiện này. Đồng thời, một lần nữa, chính họ lại áp dụng những thủ thuật câu view đã quá nhàm chán của báo chí với các ngôn từ như "gốc Việt" hoặc lồng ghép việc đưa tin với các giải thưởng Pulitzer khác và chỉ trích dẫn qua loa.
Đến khi nào thì người Việt mới thôi phải tự sướng bằng cách nhận vơ những nhân vật tầm cỡ xuất thân "gốc Việt" như phó thủ tưởng Đức Philips Rosler, hay tiến sĩ Ngô Bảo Châu? Đến khi nào thì người Việt trẻ mới bắt đầu tự hỏi cuộc đời họ sẽ dẫn về đâu khi ngày ngày ngủ quên trong cơn bão thông tin đặc toàn giải trí và thể thao, để bắt đầu tìm lấy những bước đi đầu tiên, xuất phát từ chính những mong ước của họ, thay vì cứ mãi cúi đầu nghe theo sự sắp đặt.
Hôm nay, tôi hạnh phúc, vì Mann up chưa phải góp phần làm giàu cho truyền thông nước nhà với những câu chuyện người mẫu hở nội y hay nghi án ngoại tình của người nổi tiếng.
Có lẽ, một thứ như Mann up tồn tại, là bởi ở ngoài kia vẫn còn quá nhiều những con người đang chờ thời. Có cả một thế hệ vẫn đang nằm vùng chờ chia tia sáng đầu tiên để thực sự làm nên những điều khác biệt.
Giống như một câu kinh điểm trong tác phẩm The Sympathizer ở phần cuối: "Chúng tôi vẫn coi mình là những kẻ làm cách mạng. Chúng tôi vẫn làm những sinh vật mang trong mình hy vọng, một sự chuyển mình đang đi tìm một cuộc cách mạng, bất chấp việc bị gọi là những kẻ mơ mộng bị mờ mắt bởi một ảo tưởng hão huyền. Chắc chắn rằng chúng tôi không hề đơn độc. Hàng nghìn người khác cũng đang nhìn xé vào màn đêm, nung nấu những suy nghĩ động trời, những ước mơ vĩ đại và những toan tính không được mở lời. Chúng tôi chờ đợi một thời khắc, một lý tưởng mà vào lúc này đơn giản là đang chờ được sống."
Hà Nội, 19/4/2016
- Lu -
P/S: Nhiều người nói với tôi về việc tại sao Việt Nam không đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức thứ 2. Tôi trả lời họ rằng, điều ấy đâu cần thiết, bởi vì tất cả những cái đầu mong muốn được mở mang đều đã tự làm việc ấy rồi. Tất cả những gì báo chí Việt Nam đưa tin về Nguyễn Thanh Việt chưa bằng một góc so với những gì đang tồn tại trên internet. Bạn hoàn toàn có thể đọc những điều ấy. Quan trọng rằng bạn muốn nó đến đâu?
Nhận xét
Đăng nhận xét