Batman and superman

Tất cả chúng ta đều biết, Batman vs Superman sẽ là chủ đề hot nhất cuối tuần này. Những lời tâng bốc, những thông báo về doanh thu phòng chiếu... đều đã được báo chí lải nhải mãi trong những ngày gần đây. Thế nên, chúng tôi xin phép được đi thẳng vào vấn đề.

Câu chuyện bắt đầu ở một thế giới (nào đấy) của DC khi Batman đã hành hiệp trước Superman đến cả thập kỷ và đi vào tuổi trung niên. Hai gã siêu anh hùng, một sáng, một tối, đối lập toàn diện về cả lý tưởng, lẫn tôn chỉ hành động. Sự khác biệt này dần hình thành những hiềm khích giữa cả hai và dẫn tới cuộc đối đầu trong phim.

Nếu bạn đi xem một bộ phim của Zack Snyder thì không nên hy vọng đó là một cuộc đấu trí gay cấn với những câu thoại nghe thôi đã sướng sởn cả gai ốc. Mô tuýp đó giống của Christopher Nolan hoặc Vương Gia Vệ hơn. Còn họ Snyder thì đã khét tiếng từ lâu với những góc quay mãn nhãn và các pha hành động tạm gọi là ngon mắt. Nếu có khen thêm thì sẽ là thừa.

Thật sự, Batman vs Superman giống một bản teaser 150 phút cho các phần sau của series Justice League hơn là một câu chuyện hoàn chỉnh. Một số người xem chưa biết nhiều về thế giới truyện tranh của DC và đặc điểm của các nhân vật sẽ có thể bị chóng mặt một chút với cách cắt cảnh chớp nhoáng gần như chộp giật của Zack Snyder (nếu không muốn nói là gần như không hiểu).

Zack Snyder cũng tham lam trong việc muốn tạo ra một thế giới quan của riêng mình về DC Comic. Thế nên 1/3 ban đầu của bộ phim ngập tràn những cảnh giới thiệu chớp nhoáng về các nhân vật và sự kiện trước ở Superman. Không một vai diễn nào có đủ thời lượng để xây dựng nội tâm khiến người xem đồng cảm.

Điểm sáng nhất của cả bộ phim là 4 nhân vật chính: Batman - Superman - Wonder Woman và kẻ đại ác Lex Luthor.

Không ai có thể nghĩ là gã công tử Ben Affleck ngày nào lại có thể vào vai Batman tốt đến thế khi đã cập tuổi trung niên. Ben có thể không phải là Batman được yêu thích nhất, nhưng lại là người có thể lột tả được một kỵ sĩ bóng đêm gần với nguyên mẫu trong truyện tranh nhất. Henry Cavill thì gần như đã được nhắm cho vai Superman từ... kiếp trước bởi ngoại hình không thể giống hơn. Gal Gadot không phải hình mẫu Wonder Woman như bước ra từ truyện tranh, nhưng lại là con át chủ bài để kéo cánh mày râu ra rạp. Thú vị nhất trong phim là vai Lex Luthor của Jesse Eisenberg. Nhiều người có thể không thích kiểu tưng tửng của gã. Nhưng cuối phim mới là lúc mà Lex Luthor trọc đầu. Chẳng gì có thể nói trước về diễn biến tâm lý của nhân vật villain này trong các phần phim tiếp theo.

Bên cạnh những điểm sáng đó thì đây cũng là phần phim có nhân vật quản gia Alfred ấn tượng nhất. Alfred trong DC của Zack Snyder mặc dù không mang nặng ngữ điệu British và phép lịch thiệp Anh Quốc như Michael Caine nhưng lại già dặn, lạnh lùng và ngầu hơn nhiều, rất hợp để làm trợ thủ của Batman trong nhiều tình huống.

Nếu là một fan của DC Comic, bạn sẽ có rất nhiều thứ để nói về bộ phim này. Trong Batman vs Superman có một cảnh chớp nhoáng hé lộ cho đại sự kiện Flashpoint Paradox. Cameo của Flash thì không đáng nói nhưng Aquaman do Jason Momoa thủ vai thì quá ấn tượng. Không biết tới bao giờ Warner Bros và DC mới công bố ngày ra mắt cho những phần tiếp theo của Justice League và những đại sự kiện khác... Những chuyện đảm bảo thú vị hơn nhiều so với việc Rotten Tomatoes, trang web đánh giá phim nổi tiếng chỉ chấm Batman vs Superman có 4 điểm (các fan chân chính của điện ảnh cũng đồng tình về điều này).

Tóm lại, không nên đánh giá một bộ phim dành cho fanboy bằng những thước đo của một tác phẩm điện ảnh hàn lâm. Tương tự với chuyện không nên yêu cầu một cô người mẫu sẽ giỏi vật lý lượng tử và lịch sử nghệ thuật đương đại. Mọi thứ đều có những thước đo riêng và chỉ đó mới là cách đánh giá đúng giá trị của chúng nhất.

Tôi không nghĩ là sẽ có nhiều người khen Batman vs Superman hay như cách họ đã từng khen The Dark Knight của Nolan. Tuy nhiên, hẳn là sẽ có rất nhiều người ra rạp vì tò mò.

Batman vs Superman không phải là một bộ phim điện ảnh đến tầm so với cốt truyện u ám, đen tối và nặng về nội tâm kiểu DC Comic. Nó đơn thuần là một màn fan service cho những chàng trai lớn tồng ngồng hâm mộ comic của DC, hội những kẻ cuồng đấng vô đối, lẫn anh zai sịp đỏ với xương hàm to bạnh. Họ là những người đang góp phần cổ xuý cho làn sóng "K-Pop hoá" của điện ảnh Mỹ, khi người ta đổ xô ra rạp để xem một tác phẩm mà trong đó có nhân vật mình thần tượng.

Không ai quan tâm đó có phải là một bộ phim hay tới đâu. Cốt yếu ở đây vẫn là văn hoá thần tượng.

- Lu -

Nhận xét

Bài đăng phổ biến