Phong vân

Phong Vân của ngày xưa thật sự là một bộ truyện hay!
Thông qua các nhân vật của mình, Phong Vân đưa đến cho độc giả những bài học sâu sắc, thấm thía, những triết lý nhân sinh đáng để suy ngẫm. Đã từng đọc Phong Vân, hẳn không ai không ấn tượng với: “ Con ăn tim hổ, chỉ vì con biết tự mình không thể chết được. Một ngày nào đó, con sẽ mạnh hơn cha, ngăn cả cha giết chóc” – Nhiếp Phong, “ Khóc, khóc thì giải quyết được chuyện gì? Phải bình tĩnh mới có thể trả thù!” – Bộ Kinh Vân, “Danh lợi trên thế gian như hoa đàm vừa nở đã vội tàn...” – Bán Tiên hay “ Vô luận bi thương thế nào, tất cả cũng chỉ là quá khứ” – Vô Danh. Các nhân vật của Phong Vân, tốt có xấu có, thiện có ác có, mỗi người mỗi vẻ, mỗi nhân vật lại mang một bài học, mỗi nhân vật lại giống một chiếc gương soi để từ đó ta ngẫm lại mình. Hùng Bá hùng tâm vạn trượng, dã tâm của lão không thể nào đong đếm. Một tay lão gây dựng lên Thiên Hạ Hội thống trị võ lâm, nhưng cuối cùng lão còn gì? Kiếm Thần – đại đồ đệ của Thiên kiếm Vô Danh, quang minh lỗi lạc, đường tương lai tưởng như rộng mở thênh thang, không ngờ vì tình ái mà gây ra bao chuyện sai lầm. Nhưng cuối cùng, anh ta lại hy sinh thân mình vì Bộ Kinh Vân, vì đại sự, nên nói Kiếm Thần tốt hay xấu? Đế Thích Thiên, một kẻ ngông cuồng trường sinh bất tử đã chạm tới ngưỡng của “Thần”, trí tuệ, võ công đều có thể nói là kiệt xuất. Lão tự xưng mình là Thần, tự thiết kế ra một trò chơi thế sự để xua đi cái nhàm chán của bản thân. Những tưởng lão sẽ mãi mãi đứng trên cao nhìn xuống như thế, cuối cùng lão lại chết một cách tức tưởi... Chỉ vài nhân vật vậy thôi, mà đã có bao điều đáng để ta suy ngẫm...
Nhưng điều mà tôi ấn tượng nhất trong Phong Vân là cái cách tác giả đưa chuyện “quốc gia đại sự” vào trong dòng chảy của mạch truyện, nó nhẹ nhàng, tự nhiên như dòng “lưu thủy”. Không giống nhiều bộ manhua, nhân vật chính chiến đấu vì quốc gia chỉ đơn giản anh ta rảnh, anh ta có mục đích riêng, cũng có thể vì yêu nước nhưng hết sức gượng ép, hiếm bộ nào được như Phong Vân, nhân vật chiến đấu vì quốc gia như một điều hiển nhiên. Là một bộ truyện võ hiệp, nhưng Phong Vân lại đề cao tính dân tộc, lòng yêu nước hơn cả những tranh đấu trong giang hồ. Nhiếp Phong có thể coi là đương nhiên, nhưng Bộ Kinh Vân – một kẻ lạnh lùng, không quan tâm đến nhân sinh lại tình nguyện từ bỏ cuộc sống giản dị cùng Sở Sở chỉ vì không muốn “con dân Thần Châu hạo thổ lâm vào cảnh lầm than”. Vô Danh, sở dĩ ông trở thành tượng đài trong thế giới Phong Vân không phải do đức độ, trí tuệ hay võ công siêu phàm, mà bởi ông đã dùng võ công của mình bảo vệ cho Tổ quốc! Đất nước – hai từ này thiêng liêng cao quý hơn rất nhiều ước mong trở thành đệ nhất của rất nhiều nhân vật manhua. Đây chính là điều nâng tầm vóc của Phong Vân trở nên cao cả, nhân văn, giàu ý nghĩa hơn những bộ võ hiệp từ trước đến nay. Đọc Phong Vân, càng thêm tâm đắc câu nói: “Đàn ông có 3 thứ phải bảo vệ: quốc gia, tôn nghiêm và người phụ nữ của mình”. Phong Vân cũng không hề gượng ép người đọc phải có ấn tượng xấu về Nhật Bản mà đưa đến cái nhìn đa chiều hơn ( 99,99% các bộ truyện đều xây dựng kẻ thù cuối cùng của quốc gia là Nhật Bản – nhìn chung đều xấu xa, nham hiểm, bẩn bựa), Đông Doanh – Nhật Bản vẫn có những nhân vật để ta ngưỡng mộ: Thiên Hoàng ,Thánh Vương – họ đều là những kẻ tài năng kiệt xuất, có dã tâm, dám mưu đồ việc lớn. Vậy theo bạn, Phong Vân có phải là một bộ truyện hay?

p/s: Ngày xưa chỉ ước ao Phong Vân không bao giờ kết thúc, dù biết bữa tiệc nào cũng có ngày tàn. Giờ thấy nhiều độc giả,nói thẳng nói thật là, mắng chửi tác giả Mã Vinh Thành rất kinh vì “chém quá ảo”, “làm mất chất Phong Vân” nhưng mình vẫn thấy biết ơn vì ông ấy đã viết tiếp. Nếu Phong Vân kết thúc ở phần I, nó sẽ là bộ truyện cực hay cực xuất sắc, nhưng nếu kết thúc ở đó, thì đến giờ, qua bao nhiêu năm như vậy không biết còn mấy người nhớ đến Phong Vân, còn diễn đàn nào cho anh em chém gió ôn lại kỉ niệm một thời.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến