Trương Liêu

=== TRƯƠNG LIÊU
   TUỔI TRẺ NGÔNG CUỒNG
    TRONG VIỆC THỜ CHỦ ===
 
Xuất thân thích khách nên Trương Liêu có một bản năng nhạy bén, khả năng tư duy độc lập và sáng suốt. Chính nhờ đặc trưng này nên nhiệm vụ chính của anh ta khi ra trận là một nhánh kì binh chuyên đột kích hoặc ám sát tướng địch.

Là một kẻ trọng tình nghĩa và trung thành: Anh ta sẵn sàng hi sinh vì thuộc hạ (khi ở Từ Châu hay khi ở Loạn Táng Cương). Và bất chấp việc Lữ Bố thua liên tục, anh ta sẵn sàng theo sau Lữ Bố kểm nguy. Chỉ khi Lữ Bố lộ rõ bản chất bá chủ sẵn sàng hi sinh tất cả huynh đệ thì Trương Liêu mới rời bỏ ông ta. Tuy nhiên Trương Liêu vẫn sẵn sàng tử thủ cùng huynh đệ để Lữ Bố bỏ chạy, xem như một cách để vẹn toàn Trung Nghĩa.

Nghiêm thủ quân lệnh: Bất kì việc gì, Trương Liêu cũng nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh được giao. Chỉ duy nhất một lần khi giải thoát Quan Vũ, Trương Liêu đã chống lại Lữ Bố.

Có một quá trình trưởng thành về tư tưởng và tính cách xuyên suốt câu chuyện.

Ban đầu,Trương Liêu mang tâm lí tôn sùng với Lữ Bố.Khi Lữ Bố phản Đổng,Liêu Nguyên Hỏa khoe khoang là “Hãy xem thử ta có phải là giết ai cũng được hay không?” còn Lữ Bố thì: “Còn ta có phải là kẻ địch được muôn người hay không?” Thế còn Trương Liêu đã nói gì?
“Còn ta? Có phải là kẻ được chiến thần thích thú nhất hay không?”

Trong mắt Trương Văn Viễn trẻ tuổi ngày ấy,việc đáng tự hào là được một người mình tôn sùng,một kẻ vượt xa mình về mọi mặt đánh giá cao bản thân mình! Cũng như Quan Nhị gia đã nói: “Xem ra sự tôn sùng của ngươi dành cho cái tên không phải ngươi ấy đã hết thuốc chữa”

Thế nhưng đối với Trương Liêu, chữ “Trung” của anh còn mang theo ý muốn khẳng định bản thân. Như Trương Phi hay Quan Vũ giúp Lưu Bị hạ Lữ Bố, sẵn sàng giấu diếm thực lực. Còn Trương Liêu giúp Lữ Bố, là vì KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ CỦA KẺ MÀ MÌNH PHÒ TRỢ CHÍNH LÀ KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ BẢN THÂN. Khi ra trận quân sĩ của Lữ Bố chỉ nói rằng: “Có Lữ Tướng Quân thì chắc thắng!” Nhưng Trương Liêu lại nói: “Đừng sợ! Có Lữ Bố ở trong, còn ta ở ngoài, địch đông thế nào cũng không vào được!” Trong câu nói ấy ngầm chứa một niềm tự hãnh của tuổi trẻ.

Ngoài ra, giữa Trương Liêu và Lữ Bố là một sự đồng cảm trong ý thức hệ. Cả hai muốn dùng sức mạnh và tài năng để thay đổi thiên hạ,khẳng định bản thân. Như Lữ Bố, dù gọi hắn là dã thú hay là chiến thần cũng không sai, vì khả năng y đã vượt quá xa phàm nhân, hắn phải chiến đấu, phải chinh phạt để chứng minh rằng tư tưởng của hắn là đúng, là tư tưởng của thời đại mới! Chính vì hiểu tư tưởng ấy nên Trương Liêu khi xông vào Quan Vũ, đã hét to: “Đoạt thiên hạ chính là đại nghĩa!“

Chủ tướng của anh ta là chiến thần sức mạnh tuyệt luân trí tuệ vô song. Phải đoạt thiên hạ về cho Lữ Bố, cho cả thế gian thấy Lữ Bố là kẻ tài trí hơn người với hệ tư tưởng vượt xa cái thời đại Nho giáo mục rữa này! Và khi cả thế gian này tôn sùng Lữ Bố như một chiến thần thì chính tư tưởng trung thành của Trương Liêu cũng được toại nguyện: Trương Liêu chính là đôi cánh, là móng vuốt đã đưa chiến thần lên trên đỉnh cao của con người!
Có thể tóm tắt về Trương Liêu trong giai đoạn đi theo Lữ Bố: Một người trẻ tuổi tài cao và tôn sùng thần tượng của riêng mình. Thích khẳng định bàn thân thông qua việc khẳng định giá trị của chủ nhân.

Việc Trương Liêu đầu hàng Tào Tháo là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của anh ta trong đời. Người ảnh hưởng nhiều nhất đến việc này là Quan Vũ. Đứng trước một Quan Vũ sâu sắc và tinh tế, tư tưởng của Trương Liêu bắt đầu chao đảo

Khi Quan Vũ thể hiện thái độ trân trọng dành cho Lưu Bị: “Mạng ta không quan trọng, quan trọng là bộ anh phục đại ca tặng,ta không muốn làm bẩn nó.”

Trương Liêu chỉ cười! Và anh lao vào đập Quan Vũ. Hình ảnh cú đấm Quan Vũ thổi bay Trương Liêu đã thể hiện sức mạnh Võ Thánh, và khẳng định sự vượt trội của luân lý Nho giáo trước sự cuồng tín của một gả trẻ tuổi. Và khi Trương Liêu ngã xuống và ngầm quan sát hai bên, anh ta nhận ra rằng: “Phe Lữ Bố lộ ra sự kinh hoàng bất an!”

Phe Quan Vũ vẫn bình thản và giữ vững niềm tin, bất kể kết quả cuộc chiến thế nào đi nữa. Anh ta bắt đầu tự vấn bản thân: “Tại sao trong quân ta lại lộ ra thái đô bất tín này?”

Sự trung thành ,đức hi sinh… những điều cổ hủ ấy đối với Trương Liêu thật nực cười, vì anh chỉ cho rằng giúp chủ nhân đoạt thiên hạ là đại nghĩa của những kẻ mạnh! Thế nên sự khác biệt giữa tư tưởng và sức mạnh không chỉ đánh ngã anh,mà còn bắt đầu làm rạn nứt những giá trị tư tưởng mà anh mang theo trong lòng.Và đó cũng là lúc anh lờ mờ nhận ra rằng tư tưởng của cả anh và Lữ Bố đều không đủ mạnh mẽ để giữ lòng người như Lưu Bị hay Tào Tháo!

Quan Vũ cũng chính là kẻ đã chỉ ra rằng Trương Liêu hoàn toàn không giống Lữ Bố. Khi Trương Liêu chặn hậu cho quân mình bỏ chạy, bên ngoài là cái vẻ bất cần, tự mãn: “Cảm giác giống như Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ”. Bên trong lại là một thứ nghĩa khí vì người khác, không giống với tác phong bất chấp thủ đoạn như chủ tướng. Có điều khi ấy anh ta vẫn còn quá trẻ, vẫn còn coi nhẹ sự sống chết chứ đừng nói đánh giá về tư tưởng bản thân. Thế nên Quan Vũ đã đến giải cứu, và dạy cho anh thêm một bài học về Trung Nghĩa.

“Ông đến đây làm gì?”
“Ta đến để cười ngươi hi sinh vì kẻ bất nghĩa!”
“Ông không hiểu gì cả.Lữ Bố không phải kẻ bất nghĩa! Nếu Lữ Bố đã là bất nghĩa,kẻ dưới trướng hắn cũng là bất nghĩa. Hà cớ gì phải ra tay cứu ta?”
“Ta cứu là cứu 1 chủ tướng dám hi sinh vì thủ hạ của mình!”

Chỉ một câu nói Quan Vũ đã tách Trương Liêu khỏi vị chiến thần mà anh luôn tôn sùng: Rõ ràng tác phong vứt bỏ tất cả của Lữ Bố khiến Lữ Bố thành danh! Chính Trương Liêu cũng hiểu rõ điều này nhưng luôn vì sự tôn sùng mà bỏ qua nó,xem nó như một điều hiển nhiên. Và Quan Vũ đã mở mắt cho Trương Liêu,buộc anh ta phải nhìn nhận sự khác biệt này.

Từ đó, con đường thoát ly khỏi Lữ Bố,hay nói cách khác,thoát ly khỏi bản ngã cũ của Trương Liêu đã bắt đầu mở ra sau khi Quan Vũ chém một nhát cuối: “Một kẻ nhơ bẩn thì dù có giúp thế nào vẫn là nhơ bẩn!”

Và những sự kiện nối tiếp nhau như những vết đao dần cắt đứt xiềng xích đang trói buộc anh ta.
Khi chứng kiến Lữ Bố ngã gục dưới kích của Điển Vi trong khi toàn quân bỏ chay, Trương Liêu đã phần nào nhận ra rằng trong thời đại này, chỉ có sự tôn sùng bản lĩnh thì không thể đảm bảo sức mạnh của cả một thế lực. Lữ Bố, kẻ vô địch về mọi mặt đã thua trong trận chiến tư tưởng, bàn thân Trương Liêu cũng đã dần dần hoài nghi những gì mình tôn sùng.

Khi Lữ Bố truy giết Lưu Bị, Trương Phi rồi đến Quan Vũ lần lượt xông ra đoạn hậu cho Lưu Bị chạy trốn thì chính lúc ấy trong lòng Trương Liêu cũng đã bắt đầu cuộc chiến giữa sự tôn sùng và hai chữ “Trung Nghĩa” đích thực. Tại sao anh ta phải cứu Quan Vũ trong khi đó là kẻ tử địch của Lữ Bố?

Vì Trương Liêu đã bị ảnh hưởng của Quan Vũ, của hệ tư tưởng Trung Nghĩa mà Quan Vũ tuân theo. Anh ta đáp lại cái ơn cứu mạng của Quan Vũ bằng việc thả cho Quan Vũ chạy, hành động này thấp thoáng tác phong của Quan Vũ trên đường Hoa Dung khi Tào Tháo đại bại sau này!

Và khi cuộc chiến Lữ-Tào đến hồi kết thì đó cũng là điều tương tự với cuộc chiến nội tâm của Trương Liêu.
Vòng vây của Tào Tháo dần dần xiết chặt, quân của Lữ Bố đối mặt với thất bại, đã dần mất đi lòng tin và đào tẩu. Chỉ có anh ta ở lại và cầu xin mọi người ở lại.

Khi viên thầy thuốc nói về tình hình bi đát: Cao Thuận bị liệt, bệnh dịch lan tràn, Trương Liêu đã dùng câu nói cũ mỗi khi buộc người ta rút lui: “Chưa ai qua khỏi vòng kiếm của ta.”
Nhưng rồi anh ta đã quỳ xuống! Điều gì đã đánh ngã một kẻ cứng đầu và mạnh mẽ như anh?
Bệnh tật? Nghịch cảnh? Thất bại?
Đó là cảm giác thấy mình sai nhưng không dám công nhận!
Không dám nhận rằng chiến thần mà mình tôn sùng đã thua.
Không dám nhận rằng sự nghiệp của Lữ Bố mà y là một phần quan trọng đã kết thúc và giờ y không thể làm gì được nữa.
Anh cầu xin,nhưng điều anh ta cầu xin là gì?
Là lòng tin ở mọi người vào những điều mà anh tin. Giờ đây, khi cuộc chiến đã là “cuộc chiến của riêng Lữ Bố” thì anh ta đâu còn lí do gì để chiến đấu cùng Lữ Bố, chết vì Lữ Bố? Trương Liêu lúc ấy chỉ là một người trẻ tuổi không thể chấp nhận thất bại của tư tưởng bản thân.

Và cuối cùng, anh ta đã đoạn tuyệt với Lữ Bố khi phát hiện ra Lữ Bố muốn đào tẩu! Từ lúc họ Trương bước ra khỏi căn phòng của Lữ Bố, anh đã sớm nhận ra bản thân của mình ngày hôm qua đã chết cùng với chiến ý của Lữ Bố. Trong lòng Văn Viễn lúc đó là một sự bối rối và mơ hồ khủng khiếp! “Biết làm gì khi đã mất hết tất cả? Mục đích sống của mình bây giờ là gì?”

Khi đối diện với Trương Phi và Quan Vũ, tay Trương Liêu cầm chắc vũ khí nhưng lòng lại là: “một nỗi bàng hoàng trong thần thái lo âu” và rồi phải thừa nhận “Ta từ lâu đã không còn nhìn ra đích đến!”
Đối với người trẻ tuổi, khó khăn không đáng sợ, vì cùng lắm là chết. Kẻ địch không đáng sợ, vì bản thân ta mới là kẻ địch đáng sợ nhất.
Trương Liêu lúc ấy vừa đối mặt với cái chết vừa phải đối diện với sự mất phương hướng, nên đã bắt đầu tự vấn bản thân.
Anh tự hỏi mình “Tên ngốc Trương Liêu kia,tại sao mi đi đường này?”

Và rồi khi đối mặt với Lưu Bị,tất cả trở nên rõ ràng.
Lưu Bị hỏi rằng “Tại sao ngươi không trốn cùng Lữ Bố? Phải chăng là vì ngươi không thể bỏ rơi huynh đệ?”
Trương Liêu vẫn cứng đầu, ngụy trang bằng câu “Chẳng có gì đáng lo nếu chủ ta chạy trốn được!”
Và khi Lưu Bị lột bỏ lớp ngụy trang của Trương Liêu bằng: “Lữ Bố đã bị bắt và sẽ sớm bị hành quyết!” Trương Liêu tỏ thái độ thà chết để giữ lòng trung thành. Nhưng Lưu Bị đã giáng cho anh một cái tát, bắt anh phải nhìn nhận lại bản thân, rằng trong lòng anh đang bất mãn và kẻ mà anh muốn mắng là Lữ Bố, người đã làm mất mọi giá trị sống của anh chứ không phải là Lưu Bị, người đang mở ra cho anh một con đường mới, một cuộc đời mới.

Lưu Bị cũng giúp Trương Liêu giải quyết cuộc chiến nội tâm này bằng một lời gợi ý: “Đừng làm ra vẻ và nói về nhân nghĩa hay trung thần đạo, mà hãy nói đơn giản rằng: Ngươi có muốn chết như thế này không?”
Quyền được sống là quyền tối cao của con người. Khi đặt Trương Liêu trước câu hỏi này, Lưu Bị đã tước bỏ mọi vũ khí của Trương Liêu ngày xưa, muốn anh giác ngộ, từ bỏ lối suy nghĩ cũ và chấp nhận thực tại, chấp nhận một con đường mới cho bản thân mình! Nhưng với một người có tài và có 1 ý chí thép như Trương Liêu thì chưa đến phút cuối, anh vẫn chưa hoàn toàn chịu nhìn nhận.

Chỉ đến lần ‘tiếp chuyện’ thứ 2 với và Lưu Bị dưới chân Bạch Môn Lâu. Lưu Bị đã nhìn ra ham muốn được sống, được tiếp tục tỏa sáng của Trương Liêu đang bị che giấu sau những lời nguyền rủa! Lưu Bị đã chỉ ra một loạt tất cả những sai lầm mà một người có thể phạm phải
Sai lầm khi chọn chủ!
Sai lầm khi cho rằng có thể tử vì đạo!
Sai lầm khi muốn chết để giữ gìn thể diện!
Nhưng sai lầm lớn nhất chính là luôn tự dối lòng, tiếp tục dấn thân trên con đường mà từ lâu “đã không còn thấy đích đến” và còn kéo theo hàng ngàn anh em trong ba quân chết theo …
Những sai lầm,những lời dạy của hiền nhân, tất cả đều là con đường đã mờ mịt ,điều Trương Liêu cần làm, và cũng là điều duy nhất anh ta muốn làm mở ra con đường mới cho mình, không thể chết một cách không nhắm mắt khi nguyện vọng chưa thành!

Trương Liêu !
Anh ta , vì đã quá ngu ngốc? Vì đã không có một người sớm dẫn ra con đường cho mình?
Không! Đó là tiếng chào đời của một con người mới, một con người nhìn rõ quá khứ với sai lầm và thành công của nó, nay đang hướng đến tương lai!
Cũng chính từ đó, nét cười khẩy ngầm chứa sự ngạo mạn được thay bằng một đôi mắt lạnh lùng và một sự kiệm lời. Từng lời nói là một mưu kế công tâm kẻ địch chứ không đơn thuần là trò thị uy như trước.

Ngoài ra, nếu dùng cách “Xem vũ khí hiểu được chí võ giả” như Tào Tháo từng nói trong truyện, thì con người của Trương Liêu cũng thể hiện được phần nào qua các loại vũ khí anh ta dùng.
+ Vòng kiếm: Kiếm là món vũ khí thể hiện được khí độ của quân tử. Ngoài ra, hình tượng vòng kiếm vững vàng che chở toàn quân cũng nói lên tinh thần trách nhiệm cao, sự nghĩa khí của Trương Liêu.
+Tam tiêm song nhận đao: Món vũ khí này có ba mũi nhọn và hai lưỡi đao. Mũi nhọn chính là ảnh hưởng của Lữ Bố lên Trương Liêu: tinh tế, thâm hiểm và cực kì chuẩn xác. Còn lưỡi nhọn lại thể hiện sự tương đồng giữa Trương Liêu và Quan Vũ: rất trung thành và đôi khi cũng cố chấp trong cách nghĩ.
Chính vì “Võ giả xem vũ khí hiểu được chí” mà khi Trương Liêu dùng thanh đơn đao giống Quan Vũ trong trận Quan Độ, anh ta đã cho thấy lòng trung với Tào Tháo. Đồng thời sự thay đổi này cũng đánh dấu sự lột xác hoàn toàn khi Trương Liêu bước lên đẳng cấp của Chiến Thần Võ Thánh!
     Ad: #TV
Nguồn: namevgoi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến