Michael Carrick

MICHAEL CARRICK, CÂY ĐÀN BỎ QUÊN

//

Ngày 28/7/2006, Man United công bố họ đã có được Michael Carrick từ Tottenham với cái giá 18,6 triệu bảng từ Tottenham. Đó là kết quả của một mùa hè theo đuổi vô cùng vất vả. Thời điểm đó, không ai ngờ nổi Ferguson lại có thể bỏ ra một số tiền lớn đến như thế cho một cầu thủ mà danh tiếng vẫn không quá nổi bật. Tuy nhiên, nhìn được cái người ta không nhìn ra là điểm mạnh của Alex Ferguson: Carrick chính là miếng ghép quan trọng cho ngày Man United trở lại ngai vàng sau ba mùa giải cúi đầu trước cái đại diện London.

Số 16 lập tức được trao cho Michael Carrick, và đấy chính là số áo của Roy Keane huyền thoại. Như một sự xác nhận rằng, anh được đưa về để trám chỗ ở vị trí tiền vệ trung tâm quan trọng của MU sau thời đại Roy Keane. Dù rằng MU vẫn còn đó một hoàng tử tóc vàng Paul Scholes luôn xuất sắc, một Darent Fletcher hệt chú ong thợ cần mẫn hay một Park Ji-Sung chưa bao giờ ngừng chạy, thì họ vẫn thiếu một cái gì đó để đương đầu với Chelsea. Bộ tứ Makelele – Frank Lampard – Michael Essien và Michael Ballack của Jose Mourinho thực sự là quá khủng khiếp. Nhưng với Michael Carrick, mọi thứ đã xoay vần. Carrick không chạy miệt mài như Park Ji-Sung, không tranh chấp như Darent Fletcher, cũng không tạo nên những đường kiến tạo, sút xa như Paul Scholes. Anh đơn giản chỉ là xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, phối hợp với Paul Scholes, triển khai bóng lên cho đồng đội qua các đường bóng đơn giản. Đồng thời thực hiện các pha bọc lót cho các hậu vệ bằng sự thông minh khi di chuyển. Không băm bổ, không tắc bóng, chỉ là phán đoán đường chuyền của tiền vệ đối thủ và cắt mặt những đường chạy của tiền đạo.

Ngày ấy, không ai nhận ra điều đó. Phải đến sau này, khi Gary Neville giải nghệ và trở thành BLV của kênh truyền bình Sky Sports, anh mới miêu tả về người đồng đội cũ của mình như sau: “Carrick như một cây đàn piano. Cậu ấy ôn hòa, bình tĩnh, và mang sự điềm tĩnh tới những người xung quanh mình”. Sự xuất hiện của Carrick trong mùa giải 2006-2007 đã tạo đòn bẩy cho sự tỏa sáng của cầu thủ quan trọng nhất trong giai đoạn hoàng kim cuối cùng của Ferguson: Cristiano Ronaldo. Bắt đầu từ mùa giải 2006-2007 đó, Ronaldo chính thức trở thành siêu sao, và không bao giờ ngừng lại cho đến tận bây giờ.

Chúng ta có thể nhìn nhận sự quan trọng của một cầu thủ qua niềm tin tuyệt đối mà HLV dành cho anh ta. Để dễ so sánh, hãy nhìn Guti Hernandez của Real Madrid. Guti là một thiên tài, nhưng là thiên tài đỏng đảnh, trong ba trận chung kết Champions League của Real Madrid giai đoạn Guti còn thi đấu, chàng trai này không được ra sân lần nào. Còn Michael Carrick xuất phát trong cả ba trận chung kết Champions League của Man United (2008, 2009 và 2011). Carrick không có phẩm chất thiên tài của Guti, có lẽ cả đời thi đấu của Carrick cũng không thể nào có được những cú giật gót bàng hoàng người xem như Guti. Nhưng ở Carrick toát ra sự tin cậy, điều cần nhất trong các trận cầu quan trọng.

Tháng 6/2014, đội tuyển Anh thất bại trước Italy trong trận cầu vòng bảng World Cup 2014. Một lần nữa, người chiến thắng họ lại vẫn là Andrea Pirlo. Sau cú panenka ngày nào, lại thêm lần nữa người Anh cam bái hạ phong trước Pirlo. Trong cơn bi phẫn và khâm phục, người Anh đã thốt lên “Giá mà chúng ta có anh ấy”, “Tuyển Anh không bao giờ sản sinh ra cầu thủ như thế cả”. Ngày đó, nhà báo Adrian Durham của Daily Mail đã viết: “Chúng ta có Pirlo trên đất Anh, dù không bằng, nhưng chúng ta chỉ biết đi theo sự hào nhoáng để xoay quanh Lampard hay Gerrard, mà loại bỏ anh, tên anh là Michael Carrick.” Rồi ông trầm ngâm “Thật sự, HLV nước Anh chẳng ai giỏi hơn Ferguson cả.”

Khi Jose Mourinho giam cầm Carrick trên ghế dự bị, để Pogba đá trung tâm và đẩy Rooney lên chơi số 10. Ông đã làm cái điều mà 4 đời HLV của nước Anh đã làm: đấy là theo đuổi sự hào nhoáng (Pogba thực sự không hợp ở vị trí mỏ neo đó), giá trị công thần (để Rooney đá số 10 là một cách chấp người), mà bỏ quên sự hữu dụng từ người thầm lặng, ở đây là Carrick. Tài năng của Carrick nằm ở hai điểm: sự điều tiết giữa sân, và khả năng chia bóng đến các vị trí. Đó là hai thứ mà 11 người Mourinho sử dụng, chẳng ai có. Đó là hai điểm thiếu đã đẩy MU đến sự bế tắc.

12  năm cống hiến cho Quỷ đỏ và gần 500 trận đấu. Ngày anh rời đi, lúc đó, biên niên sử sẽ chỉ chép lại vài dòng: “Một người thực sự giỏi,nhưng vì quá thầm lặng, nên chỉ tỏa sáng ở cái nơi người ta biết anh giỏi.”

//

(DŨNG PHAN)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến