Người ta có thể THA THỨ, chứ không bao giờ QUÊN.

26/12/1972, Khâm Thiên.

283 người chết, 178 em nhỏ rơi vào cảnh mồ côi, 6 khối phố, gần 2.000 ngôi nhà bị đánh sập, 534 nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Ngày nay, nếu đến Khâm Thiên, chỉ thấy bên lẻ có số nhà 45 rồi đến 53. Khâm Thiên mãi mất ba số nhà 47, 49 và 51. Thay vào ba số nhà đã mất là đài kỷ niệm Khâm Thiên.

Bảy người trong số nhà 51 không còn ai sống sót. Bên trong đống gạch vỡ của số nhà 49 vẫn vọng ra những tiếng kêu khe khẽ và tiếng khóc của một em bé.

Những tấm bê tông nặng hàng tấn, sức người cùng cuốc xẻng đào bới không thể được, đành bất lực chờ xe cẩu tới. Sáng hôm sau xe cẩu tới, vẫn còn thi thoảng nghe được tiếng trẻ khóc và tiếng người mẹ kêu rất nhỏ. Những người tham gia cứu sập ngày hôm đó bất ngờ bởi tín hiệu yếu ớt của sự sống, dù đã mệt lả sau sau cả một ngày, họ lại tiếp tục cố gắng cứu người.

Chiếc cẩu nhỏ không thể giải quyết được hàng tấn bê tông đổ sập. Sức người, cuốc xẻng và máy móc cùng lao vào cuộc chiến giành giật sự sống với tử thần, tranh thủ từng phút khi đợi chiếc cẩu lớn tới. Những người cứu sập mặt mày hốc hác, đen nhẻm, tay chân rớm máu nhưng nêt mặt vẫn hiện rõ sự cương quyết.

Vòm chân cầu thang lộ ra, phía trong người mẹ trẻ dựa lưng vào tường, đầu ngoẹo đi. Đứa con nhỏ trong tay chị như vừa thiếp đi trong giấc ngủ. Đã muộn mất rồi... Có lúc nào sự bất lực của con người trước tội ác làm con người đau đớn, khổ sở hơn lúc này.

Ở Khâm Thiên còn biết bao nhiêu chuyện thương tâm nữa.

"Nhà cụ Trịnh Phúc ở ngõ 3, cả 9 người bị bom B-52 giết hại. Cụ Trịnh Phúc năm ấy đã 72 tuổi, cháu nội cụ mới 3 tháng tuổi cũng bị giết hại cùng với cha mẹ và ông bà. Nhà ông Phạm Ngọc Thuyết ở số 22 cũng bị mất 9 người. Ở số nhà 42, Phượng và Lan là hai chị em ruột. Phượng vừa tròn 18 tuổi, còn Lan 20. Phượng vừa có giấy gọi vào học trường Đại học Bách khoa cách đó mấy ngày. Một quả bom lớn rơi trúng hầm của Lan và Phượng. Quả bom tàn ác chỉ để lại những vụn vải hoa thấm máu của hai chị em, hai cô sinh viên trẻ ấy".

Ông Nguyễn Văn Cầu, một nạn nhân của trận rải thảm ngày hôm đó kể lại: "Bom đánh trúng một hầm trú ẩn tập thể với khoảng 40 người bên trong. Tôi tìm thấy vợ tôi chỉ còn nửa phần phía trên. Bom đã nghiền nát rồi trộn lẫn con tôi, em tôi và nhiều người khác vào đất. Máu và các mảnh thi thể la liệt xung quanh".

"Một quả bom rơi trúng nhà ông Nhâm, giết chết một lúc 4 thế hệ. Nhà bà Đ. mất 4 người. 4 người bị bom B-52 giết bằng bốn cách khác nhau. Ông chạy vào gầm cầu thang, bom đánh sập. Bà xuống hầm cá nhân, làm bằng một chiếc thùng phuy chôn sâu xuống đất. Bom ép mạnh, thùng phuy bị bẹp, giết chết bà. Hai chị em cô L. xuống một chiếc hầm xây vững chắc. Bom chỉ đánh sập của hầm, lẽ ra không chết được. Nhưng ác độc thay, bom đã đánh vỡ một đường ống nước. Nước tràn vào hầm của hai cô, dâng cao dần lên. Mặc dù hai cô đã kêu cứu, cố bới cửa hầm để chui ra nhưng cha mẹ thì đã chết, cửa hầm bị lấp kín. Khi đội dân phòng bới được cửa hầm ra, hai cô gái còn ôm nhau chết chìm trong nước..."

Ngày 26/12/1972, tức ngày 21/11 âm lịch, từ ấy là ngày giỗ chung ở khu Khâm Thiên...

Nguồn: Sơn Trần
-------------------------------------------------------------
Người ta có thể THA THỨ, chứ không bao giờ QUÊN.

#ComCom

Nhận xét

Bài đăng phổ biến