“Everything Everywhere All At Once”: Tìm chính mình giữa đa vũ trụ hỗn mang?
Có một điều ở thực tại là chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Tất nhiên cô Vương - tên Mỹ quốc là Evelyn, không thể biết trước rằng bước ngoặt nào sẽ tới với cô, chỉ biết rằng cuộc đời hiện tại của Evelyn hết sức mỏi mệt: một ông bố lẩm cẩm thích ăn mì vừa chín tới, một đứa con gái sống phóng túng vượt quá giới hạn gia đình và đặc biệt là một ông chồng vô tư lư tới mức tưởng chừng nhu nhược!
Evelyn bận rộn với tiệm giặt là, quán xuyến việc gia đình trong khi anh chồng Waymond lại suốt ngày khiến cô bất mãn, thậm chí bất lực với mớ hỗn độn từ căn phòng bừa bộn, mớ giấy tờ khấu trừ thuế ngổn ngang... Rõ ràng, cô đang sống một cuộc đời chán ngán giữa nước Mỹ hoa lệ, và đã có lúc lựa chọn rời xa gia đình để đến với Waymond khiến Evelyn nuối tiếc.
Mỗi chúng ta đã từng có ít nhất một lần trong đời phải thốt lên chữ "Nếu như khi ở trong hoàn cảnh bế tắc. Nhưng chúng ta sẽ không thể trải nghiệm đa vũ trụ có một không hai như Evelyn, khi cô được chồng mình là Waymond lựa chọn trở thành thành viên của Alphaverse nhằm giải cứu sự trỗi dậy của phe đối lập - Jobu Tupaki - kẻ có khả năng luân chuyển giữa mọi vũ trụ thông qua lỗ đen và đàn áp tất cả mọi thứ bằng tâm trí hỗn mang, vô độ của hắn. Nghe thật phi thường và vô lý, như chính Evelyn và chồng mình trong suốt buổi sáng làm việc tại chi cục thuế vậy!
Đa vũ trụ, thực ra chỉ là phép thử?
Trong phim, có một cảnh mà cả Dan Kwan và Daniel Scheinert đã lựa chọn cho nhân vật Evelyn. Chi tiết cho thấy rõ tư duy làm phim của Dan Kwan và Daniel Scheinert là không cố sa đà vào những ưu điểm của đa vũ trụ, mà đơn thuần mượn nó để... giải quyết khúc mắc của vũ trụ thực tại, tránh những ảo tưởng không cần thiết. Chỉ thông qua cảnh phim cả gia đình Evelyn đối đầu nhau, chúng ta có thể hình dung đa vũ trụ mà Dan Kwan và Daniel Scheinert tạo ra chỉ nhằm làm nổi bật một dòng ý thức về các nhân vật, khi mà họ đang đa vũ trụ bằng trí tưởng tượng. Chính Joy, con gái Evelyn ở thực tại, cũng là một phần nạn nhân bị xã hội nhào nặn, bị chính Evelyn đẩy vào những giới hạn để biến thành một kẻ vô thức như Jobu Tupaki.
Do “EEAAO” không cố ý tạo ra một vũ trụ hỗn mang đa thể, quá đồ sộ và vượt tầm kiểm soát... khán giả được phép sống trong thế giới của chỉ gia đình Waymond và Evelyn, cùng hành trình giải cứu chính họ khỏi thực tại khổ đau. Dan Kwan và Daniel Scheinert giữ được sự "hồn nhiên" cho thế giới mê lực trong “EEAAO” nhưng vẫn tạo ra được sức nặng ở cái kết, nơi mà rốt cuộc chúng ta phải thừa nhận rằng, con người ở bất kì thời đại hay vũ trụ nào cũng mong cầu sự bình an và thấu hiểu. Đến nỗi, hai hòn đá - vật tưởng chừng vô tri vô giác, cũng phải lăn tròn dưới vách núi để "cựa quậy", chuyển mình. Thì Evelyn cũng kịp nhận ra, cho dù sống trong vũ trụ nào, thì chỉ có thấu hiểu mới đem lại sự bình an.
Trong lịch sử điện ảnh, thể loại đa vũ trụ đã từng nhiều lần xuất hiện, với các cách thức khác nhau. Chúng ta từng có xuyên không, hai vũ trụ song song... phần lớn nhằm để kể câu chuyện theo cách mới mẻ hơn. Đơn cử Hàn quốc đã có “My Mother, the Mermaid” (2004) hay “Duckweed” (2017) của Đài Loan với nhân vật chính trở về quá khứ, sống cùng với... cha mẹ mình thời trẻ. Hay “Lola Run Lola” (1998), “Triangle” (2009) có nhân vật chính bị mắc kẹt ở mọi vũ trụ, không thể thoát ra. Thậm chí đạo diễn Woody Allen cũng từng làm phim về hai thế giới song song trong “Melinda and Melinda” (2004) nhằm đặt ra vấn đề rằng ở mỗi khoảnh khắc, con người có thể tự thay đổi số phận của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét