GÓC NHÌN: Con bướm, Bphone và Quảng “nổ”
Điện thoại Bphone của Bkav được nhiều người gán cho nghĩa là “Bướm Phone”, bên cạnh cái biệt danh cũng chẳng mấy hay ho “Bom Phone”.
Trong buổi ra mắt chiếc điện thoại thông minh “made in Vietnam” đầu tiên có một hình ảnh rất đáng chú ý: ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav cầm trên tay chiếc điện thoại Bphone với hình con bướm màu xanh nổi bật.
Chính vì hình ảnh này mà nhiều người gán cho Bphone một cách cắt nghĩa nữa, “Bướm Phone”, bên cạnh cái biệt danh cũng chẳng mấy hay ho “Bom Phone”.
Với nhiều người, đó đơn thuần chỉ là một trò đùa. Người viết thì băn khoăn rằng tại sao Bkav lại chọn hình ảnh con bướm là điểm nhấn cho chiếc điện thoại của mình.
Họ đã có thể chọn hình ảnh quả cam, ổi, hay dưa hấu... cho có vẻ liên quan tới quả táo của iPhone. Có chắc chắn rằng “Bướm” (Butterfly) không liên quan gì tới chữ “B” trong cái tên Bphone?
Cách đây hơn 10 năm, tôi từng đọc được một bài báo nói về “Hiệu ứng con bướm” (Butterfly effect).
Nó khởi nguồn từ khi nhà toán học Edward Lorenz đặt câu hỏi: liệu một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn bão ở nước Mỹ?
Hoàn toàn không phải một trò đùa, “Hiệu ứng con bướm” là một vấn đề khoa học nghiêm túc, mở đầu cho sự ra đời của “Lý thuyết hỗn độn” (Theory of Chaos).
Người ta dùng nó để nghiên cứu những vấn đề quan trọng với sự sống loài người, như là biến đổi khí hậu.
Một con bướm đập cánh ở Rio de Janeiro có thể gây bão ở Texas. Một cánh bướm ở Hà Nội cũng có thể lan tỏa tới thung lũng Silicon.
Đó có thể là ý tưởng của những nhà sản xuất Bphone khi họ giới thiệu đứa con tinh thần của mình đến thế giới?
Bphone được đón nhận theo nhiều cách khác nhau, đôi khi đầy khôi hài như một anh chàng đội mũ bảo hiểm kín mít đến dự ra mắt (chúng ta đều quá quen với biệt danh Quảng “nổ”).
Nó phản ánh tâm lý e dè, “hàng nội là hàng không ngon”, của rất nhiều người Việt. Bphone bị dè bỉu ngay từ khi chưa chính thức trình làng và ít ai được cầm tận tay.
Chính cái tâm lý tự ti ấy bao năm qua khiến người Việt chảy máu chất xám và tụt hậu.
Khi GS Ngô Bảo Châu đoạt huy chương Fields, được xem là “giải Nobel toán học” năm 2010, nhiều người đã lạc quan về một “thời cơ mới” cho toán học Việt Nam nói riêng và cho khoa học cơ bản nói chung.
Thừa thắng tiến lên, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán ra đời.
Nhưng giữa hàng núi những lời phấn khích, GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch hội toán học Việt Nam tỉnh táo nói rằng, “giới khoa học chúng tôi sòng phẳng lắm”.
Ông cho rằng nền toán học Việt Nam không “vơ vào mình” chiến công của GS Châu, đó là công trạng của nền toán học Pháp.
GS Ngô Huy Cẩn, thân phụ GS Châu cũng thừa nhận rằng thành công của anh “bắt nguồn từ may mắn được ra nước ngoài để tiếp xúc, giao lưu với các nhà toán học đầu ngành”.
5 năm sau chiến công của GS Châu, toán học Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí đi tụt lùi.
GS Lê Tuấn Hoa phải thừa nhận về “một khung cảnh đầy u tối khiến nguy cơ tan rã và biến mất nền toán học Việt Nam non trẻ”.
GS Nguyễn Tiến Dũng, người Việt Nam trẻ nhất đoạt huy chương vàng toán quốc tế, nay là một nhà toán học có tiếng ở Pháp cũng thẳng thắn rằng các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài đóng góp được nhiều công trình nghiên cứu hơn đồng nghiệp trong nước.
Với một nền tảng khoa học cơ bản thấp kém ấy, Bphone vẫn làm được cái việc tưởng như điên rồ. Bạn có biết Microsoft mỗi năm tuyển bao nhiêu tiến sĩ toán?
Thật lạ lùng khi chính những người Việt lại ném đá vào cái sản phẩm mang đầy chất xám và hoài bão lớn lao của người Việt ấy!
Khát vọng Việt giống như một đốm lửa le lói mà thay vì cố thổi bùng nó lên, người ta chỉ muốn dội ngay một gáo nước. Chúng ta đã được thấy qua trò chơi Flappy bird.
Tôi từng đọc được mẩu truyện ngụ ngôn về con bò già bị ngã xuống hố. Thay vì cố gắng cứu đồng loại, những con bò trong đàn lại ra sức hò hét, “đừng cố vô ích, anh không thể leo lên được đâu, đứng im chờ chết đi”.
Nhưng con bò già bị lãng tai và nó tưởng những người bạn đang cổ vũ mình, thế là nó cố sức leo lên được, thoát chết.
Để sống sót trong hệ sinh thái gồm nhiều đồng loại xấu bụng thì lời khuyên tốt nhất là hãy bịt tai lại.
Vào lúc này, chưa thể đoán được Bphone liệu sẽ thành công hay thất bại nhưng sự ra đời của nó đã là một chiến thắng lớn cho trí tuệ Việt rồi.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Nguồn : Tri thức trẻ
Nhận xét
Đăng nhận xét