Hứa Chử

Vài điều ba hoa về con hổ dại Hứa Chử

(Bài của bạn Lê Sát)

Vì bàn về một nhân vật đáng yêu nên không muốn xài giọng của thể loại văn luận khô khan, phần nữa là hiểu biết eo hẹp, tự nhận là luận thì thiên hạ cười chết =))

(Lý do viết bài này một bạn gái nhờ tui viết. Không dám khẳng định là gái thật, nhưng tôi hy vọng vậy. Nàng ấy thích Tuân Úc nữa, nhưng page này có bài rồi nên không khiến tôi. Cũng chả biết viết bài này nàng ấy có vừa ý không nữa.)

Hứa Chử, một tướng được khá nhiều người quan tâm, mà xem chừng có ít bình luận. Có nhiều điểm giống với Hạ Hầu Đôn khi mà không được đánh giá cao về mưu trí nhưng lại được Tào Tháo đặc biệt trọng dụng, Gíao sư Cù Trọng Xoay từng nói đùa đại ý rằng sau khi Hạ Hầu Đôn bị chột, mất tư cách đội trưởng, Tào Tháo đã chọn Hứa Chử lên thay =)) Trong phim Tam Quốc 2010, Tuân Úc cũng có ý kiến tương tự vậy ngay khi Hứa Chử bị phạt vì giết Hứa Du. Đúng là chí lớn gặp nhau mà, hai người trí tuệ như vậy mà có dịp đối đáp, hàm lượng Iốt bộc phát cao phải biết.

Mới xuất hiện trong TQDN, Hứa Chử đã đụng độ Điển Vi. Mà đẳng cấp cặp song hùng này khi đánh nhau không tính bằng hiệp, mà tính bằng giờ. Từ giờ Thìn đến giờ Ngọ. (Cứ cho cuối giờ Thìn đến đầu giờ Ngọ thì cũng phải già hai tiếng rồi. Mà tôi đồ rằng với sức khỏe tốt như hai anh đây thì dẫu đầu giờ Thìn đến cuối giờ Ngọ là sáu tiếng cũng chưa phải cái gì to tát. Anh Vi từng cầm hai lính tráng thay hai kích quật nhau với giặc. Anh Chử hoành tráng không kém, vác thuyền thay thuẫn che tên). Tạm nghỉ một lát, hai anh lại quần nhau đến chiều tối. So sức hai anh với sức hai con ngựa chẳng khác ví “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, vì các anh nghỉ không phải do các anh muốn nghỉ mà là do ngựa các anh mệt thôi. (Điển Vi dắt một đạo quân nhỏ, Hứa Chử vẫn là kiểu tặc khấu, nhà chưa có điều kiện nên không nghĩ ra chuyện thay ngựa, thế thôi, fan Triệu Vân với fan Quan Vũ im mồm, cấm chọc ngoáy :v) kể cũng tội nghiệp hai con ngựa.

Đá xoáy hot boy mới nổi trong page mình chút. Fan hot boy đó có luận điệu rằng: mới xuất hiện mà Vân đã đánh với Văn Xú 30 hiệp, rồi sau này tiến bộ, thương pháp vô địch, sau thời Lữ Bố là bất bại. Thế chứ Hứa Chử đây, mới xuất hiện đã đánh với Điển Vi dư này, vậy sau mà tiến hóa thì không biết anh thành cái thể loại gì.

Đánh với Lữ Bố một trận 20 hiệp chưa phân thắng phụ, với Triệu Vân 30 hiệp, với anh Cẩm non 230 hiệp. Đều là danh tướng lẫy lừng, nổi tiếng dũng mãnh vô song cả. Nhất là trận Hứa Chử vs Mã Siêu, được miêu tả khá kỹ. Với vẻ ngoài có vẻ gì đó si đần, ấy thế mà Hứa Chử được ưu ái cho cặp mắt biết nói, thực ra là biết dọa. “Mắt Chử nảy hào quang, oai phong thật lẫm liệt. Siêu không dám xông sang nữa, phải quay ngựa trở về.” (TQC của Trần Thọ cũng ghi nhận việc này: “Chử bèn trợn trừng mắt nhìn Siêu. Siêu không dám động”) Được nước, anh Chử tiếp tục cà kịa anh Siêu, thế là anh Siêu không thèm sợ nữa mà quất luôn. Hơn trăm hiệp chưa ngã ngũ mà ngựa đã kiệt sức. (Vâng lại là ngựa kiệt sức, rất là vô phúc và cực kỳ là vô phúc cho con ngựa nào gả cho anh này)

Được cái lần này Hứa Chử đã có điều kiện, về thay ngựa chiến tiếp trăm hiệp nữa. Like a boss! Trận thư hùng này đã chứng tỏ Hứa Chử đạt một tầm cao mới. Cái tầm mà võ nghệ, vũ khí chỉ là cái gì đó hư vô, không cần thiết. Thậm chí cả áo giáp, anh ấy cần áo giáp để mà làm gì, khi mà bị giáo đâm trúng bụng, tên găm đầy tay. Anh vẫn sống, vẫn chiến đấu như thể không cần quan tâm lòng mề của mình có thể bị phòi ra bất kỳ lúc nào hay không. Hứa Chử với Mã Siêu vẫn chia nhau mỗi đứa một nửa ngọn giáo “giọt nhau lộn bậy”. Sau trận đấu, Siêu nhận xét về ảnh: ”Tôi chưa thấy ai đánh nhau dữ dội như Hứa Chử, quả thực là hổ dại”. Khán giả cảm nhận về trận đấu của ảnh “Hai bên quân sĩ rất sợ hãi”. Tôi có đôi lời về ảnh: fan Quan Vũ có thể tự hào rằng thần tượng của mình được phong thánh, nhưng Hứa Chử đã đưa đến fan của mình một thông điệp khác “Chử là phàm nhân, nhưng Chử không kém bố con thằng nào về độ bất tử cả, hãy bất bại như Chử”.

Lần thoái lui ở Xích Bích cũng đánh với hổ tướng Tương Phi một trận nguyên văn “Tướng sĩ trông thấy Trương Phi, đều rụng rời hết vía. Hứa Chử vội vàng cưỡi ngựa không yên ra địch Trương Phi; Trương Liêu, Từ Hoảng cũng tế ngựa xúm vào đánh.”. Ai đó nói đại khái: trước mặt Trương Phi, không ai dám xưng vô địch thiên hạ. Đúng là không ai nói thế thật, nhưng với ai khác thì không biết chứ Chử này “không cần biết là có ai sợ anh mà quan trọng là anh cóc sợ ai”, dù hai bên tả hữu mất vía, cưỡi ngựa không yên, Chử vẫn xông phong lên đầu, chứ không chờ hội đồng với bọn Liêu, Hoảng. Trừ lão già Hoàng Trung ra, Hứa Chử đã đụng độ với hầu hết hổ tướng nhà Thục, cộng với Lữ Bố khi trước nữa. Ai có thể so sánh với Hứa Chử về khoản số má này?

Tào Tháo so sánh anh với Phàn Khoái, vừa là hộ vệ vừa là bạn thân của Lưu Bang. Nhớ lần đánh với Trương Phi một trận ở Bao Châu, La Quán Trung cũng phải nói rõ: “nhưng vì còn say rượu, không địch nổi Trương Phi” (có bạn chỉ đọc đoạn “chưa đánh được vài hiệp, Phi đâm mổ nhát mâu trúng vai Hứa Chử lăn xuống ngựa” =)) ). Xét Hứa Chử vì say rượu là lỡ việc quân, lại là việc vận lương, ấy thế mà Tào Tháo không giận đem chém, còn tìm thầy thuốc điều trị, lại đích thân tìm quân Thục quyết chiến (páo chù). TQC cũng có ghi nhận về “sự kết nối” lạ kỳ này. Rằng hồi đánh Viên Thiệu, có kẻ tên Từ Tha muốn hành thích Tào Tháo, mà sợ vì có Hứa Chử luôn ở bên. Một ngày Hứa Chử được nghỉ, bọn hung thủ định ra tay, nhưng quá đen cho chúng là Hứa Chử tự nhiên “về đến nhà thì trong lòng cảm thấy kinh sợ, lập tức quay lại hầu hạ”. Đương nhiên vẻ hoảng hốt của bọn kia không quá được “đôi mắt ấy” của Hứa Chử. Kết cục chắc ai cũng đoán được.

Cái nàng nhờ tôi viết về Hứa Chử ấy, nếu là hủ nữ, ắt hẳn thích chi tiết này lắm. Hứa Chử bảo vệ Tào Tháo không những trước kẻ thù mà còn cẩn trọng với cả người nhà. Như khi Tào Nhân được triệu về triều cùng Hạ Hầu Đôn, hai người vừa là trọng thần vừa là thân tộc vai trò nào cũng là to nhất, bàn việc đánh dẹp Ngô, Thục. Tháo đang say, Nhân muốn vào ra mắt. Chử đáp trả: “Tướng quân tuy là thân tình, nhưng là quan trấn thủ ngoài biên; tôi tuy sơ tình nhưng hiện đương làm nội thị. Chúa công say rượu đang nằm nghỉ, nên tôi không dám cho vào.” Cái này không những là sự tận tụy mà còn là ý thức chuyên môn hóa rất sâu. Ông có to, nhưng việc ông là cầm binh đánh giặc, còn việc tôi là thằng hộ vệ, tôi vẫn có thể cấm được ông vào.

Có lẽ đây là sự kiện hút fan nhất của Hứa Chử (thành phần ưa bạo lực sẽ thích sự kiện chiến Mã Siêu hơn). Theo TQC thì câu nói này có sai khác và cũng mang ý nghĩa khác: “ “Ông ấy tuy là vừa là trọng thần vừa là người thân của Vương, nhưng lại thủ ở bên ngoài. Chử là nội thần, nói chuyện trước đông người thì được, sao có thể nói chuyện tiêng?” Thái Tổ nghe vậy thì càng thêm yêu mến, thăng làm Trung kiên tướng quân”. Ý là Chử ít nói, cẩn trọng, thật thà, không phe cánh. Nói một câu mà được thăng chức. Not bad!
Đủ đức tính để tin tưởng, thừa trình độ (dũng lực) để hoàn thành chuyên môn (hộ vệ), chẳng phải làm thượng tướng hay gì đó. Tào Tháo cũng thừa những bộ não kiệt xuất. Ai chê anh Chử vô mưu vô trí chứ với Tào Tháo (người trực tiếp sử dụng Chử) là quá đủ. Có thể nói là không mong đợi gì hơn. Tài trí mà như bọn Dương Tu, Tuân Úc thì tài cũng thành chữ tai chứ gì.

Nói là Hứa Chử ít thể hiện làm lãnh đạo chứ anh ấy đã làm thì cũng ra hồn lắm. Theo TQC, trước khi về với Tào Tháo, Chử đã tụ tập được một đạo quân thiếu niên (không phải thanh niên nhé) cùng tông tộc chống giặc cỏ. (Có vẻ giống thời niên thiếu của Triệu Tử Long trong phim Võ thần :v). Giặc đánh thành thì dùng cung tên đánh trả, hết tên thì xài đá ném. Ném phát chết luôn. Giặc sợ không đánh nữa mà vây. Bị vây đến khi hết lương thì Hứa Chử kêu đổi bò lấy lương (không biết bọn giặc này nghĩ gì mà lại đồng ý trao đổi ta?) Sau khi nhận lương, Chử trổ sức thần: kéo đuôi con bò giất lùi hàng trăm bước. Giặc sợ phải rút. (Nếu các bạn hiểu sao cảnh tượng một người đàn ông kéo đuôi một con bò lại đáng kinh sợ. Hãy tưởng tượng Hứa Chử đang lên dây cung. Bị một con bò húc với vận tốc một mũi tên, bạn sẽ mất gì? Trả lời: không còn cái gì.)

Danh Chử nổi khắp Hoài, Nhữ, Trần, Lương. (đích thị là phim Võ Thần cướp đi cuộc đời anh Chử để gán cho Triệu Vân roài)
Sau khi về với Tào Tháo, Hứa Chử làm thủ lĩnh của biệt đội Hổ Sĩ, sau này được phong Hầu cả. Vậy nên nói Hứa Chử làm lãnh đạo cũng không tồi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến