Trận Poltava

"Ngày này năm xưa"

- 28/6/1709: Trận Poltava

Năm 1700, vua Thụy Điển Karl XII đánh tan tác 4o.000 quân Nga ở Narva chỉ với đội quân 10.000 người. Điều đó khiến ông chủ quan và mất mấy năm quay sang đánh nhau với Ba Lan, tạo điều kiện cho Sa hoàng Pyotr I cải cách toàn diện đất nước và xây dựng quân đội theo chuẩn châu Âu. Trận Poltava diễn ra 9 năm sau đó đã cho thấy sức mạnh của nước Nga khi vươn dậy thành một cường quốc.

Trong cuộc đụng độ này, Karl XII chỉ có 16.500 quân đối mặt 42.000 lính Nga. Hương vị chiến thắng Narva vẫn còn đọng lại nên vua Thụy Điển đã chủ quan, dù chỉ huy đối phương chính là Sa hoàng Pyotr I chứ không phải đám tướng tá bất tài lần trước. Và quả thật số lượng áp đảo cùng chiến thuật tiêu hao, cũng như  cách bố trí thế trận phòng thủ-phản công của Pyotr I đã đánh bại hoàn toàn sự tinh nhuệ của quân Thụy Điển. Mỗi khi hàng ngũ Nga bị chọc thủng, lập tức có đơn vị khác đến lấp vào. 4 khẩu pháo phía Karl XII chẳng thể làm gì trước mưa đạn từ 86 khẩu pháo Nga, cánh trái họ bị pháo bắn gục một nửa trước khi có thể xáp chiến với bộ binh địch. Do sai lầm chiến thuật và địa hình phức tạp mà đa số kỵ binh Thụy Điển không phát huy được hết sức mạnh và rồi cũng bị đạn pháo giã cho phải bỏ chạy.

Kết thúc, 12.000 quân Thụy Điển nằm lại chiến trường, cùng với họ là chừng 6000 lính Nga. Con số này đảo ngược tình thế tất cả các trận đánh trước đó giữa Pyotr và Karl XII. Vua Thụy Điển ôm cổ ngựa chạy với các liên đội kỵ binh Nga bám riết sau lưng, khi tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì bên cạnh ông này thống kê lại chỉ được 600 người. Đó là tất cả những gì còn lại của đội quân đã theo Karl XII tiến vào đất Nga.

Tuy đại thắng nhưng Pyotr Đại Đế không tỏ ra hống hách. Sa hoàng có thái độ ý tứ, ngay cả tử tế, đối với tù binh, đặc biệt là thống chế Rehnskiöld. Với vẻ tôn trọng, Pyotr Đại Đế quay sang hỏi Rehnskiöld vì sao mà ông này dám dẫn một dúm quân như thế để xâm lăng một đất nước bao la. Vị tướng trả lời rằng nhà vua đã ra lệnh, và nhiệm vụ đầu tiên của một thuộc hạ trung thành là phải tuân theo nó. Pyotr Đại Đế nói: "Ái khanh là người trung thực, và vì sự trung thành của Ái khanh, Trẫm xin trả lại thanh gươm cho Ái khanh." Rồi khi đại bác trên trường thành bắn thêm một loạt đạn chào mừng, Pyotr đứng dậy, cầm ly rượu và đề nghị chúc mừng những vị thầy của mình trong nghệ thuật chiến tranh. Rehnskiöld hỏi: "Muôn tâu Hoàng thượng, thầy của Ngài là những ai?" Pyotr đáp: "Chính là các Khanh đấy!". Viên thống chế bèn châm biếm: "Thế thì, các học trò nên cảm ơn thầy của họ.". Không rõ có phải vì những lời to gan này hay không mà Rehnskiöld đã phải ngồi tù đến năm 1718 mới được thả ra.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến