Quách Tĩnh
BÀI VIẾT NÓI VỀ QUÁCH TĨNH COPPY KHÔNG CHỈNH SỬA
Thật không ngoa nếu nói hành trình của chàng trong Anh Hùng Xạ Điêu là một chuỗi các cuộc… leo núi. Chỉ cần điểm lại mà xem, ta sẽ thấy Quách Tĩnh liên tục chinh phục những đỉnh cao.
Lần thứ nhất, chú bé Quách Tĩnh chấp nhận thử thách của Giang Nam Lục Quái, trèo lên núi giữa đêm khuya khoắt để bái sư.
Lần thứ hai, cậu thiếu niên Quách Tĩnh lại leo lên đỉnh núi hiểm trở mỗi tối để học phép tu luyện nội công thượng thừa của đạo trưởng Mã Ngọc.
Lần thứ ba là khi chàng bắt Đô Sử lên núi để gây áp lực cứu Thiết Mộc Chân (sau là Thành Cát Tư Hãn), từ đó được phong làm Kim Đao phò mã.
Lần thứ tư, Quách Tĩnh chạy lên núi Thiết Chưởng để bảo vệ Vũ Mục di thư của Nhạc Phi, cuốn binh pháp này về sau sẽ giúp chàng cầm quân bách chiến bách thắng.
Lần thứ năm, chàng ta cõng Hoàng Dung lên núi tìm Nhất Đăng Đại Sư để xin chữa thương.
Lần thứ sáu, chàng leo lên đỉnh Cây Trọc mong gặp lại người yêu.
Lần thứ bảy, cũng coi như “lễ tốt nghiệp” của chàng khờ Quách Tĩnh – là cuộc luận kiếm tại Hoa Sơn với các đại cao thủ võ học.
Bảy lần leo núi được Kim Dung bố trí khéo léo trong Anh Hùng Xạ Điêu để tương ứng với những cột mốc trưởng thành của Quách Tĩnh. Từ một chú bé mồ côi cha đáng thương, Quách Tĩnh vụt sáng thành thiếu niên anh hùng, rồi lại trở thành đại hiệp lừng lẫy đương thời. Có hai điểm cần lưu ý về hành trình leo núi của Quách Tĩnh:
– Thứ nhất, mỗi lần leo núi Quách Tĩnh đều giành được một vật báu nào đó: khi là bí quyết võ học, khi là binh thư, khi là ngôi Kim Đao phò mã, khi là cách đánh thành,.. Thế nhưng điều chàng nhắm tới mỗi khi chinh phục đỉnh cao không bao giờ là võ công, của cải, hay danh vọng. Thứ thúc đẩy Quách Tĩnh luôn là danh dự và tình cảm dành cho những người xung quanh: với sư phụ, với Đại Hãn, với người yêu. Và đúng như hiện tượng “vô tâm trồng liễu liễu xanh rờn,” Quách Tĩnh luôn được số phận tưởng thưởng: chàng dần học được nội công Huyền môn của phái Toàn Chân và Nam đế, triệt thành Hoa Thích Tử Mô, giành lấy trái tim của Hoàng Dung,.. Càng quên mình, Quách Tĩnh càng may mắn. Ngược lại, những kẻ ham hố theo đuổi võ công, quyền lực, nhan sắc trong Anh Hùng Xạ Điêu như Âu Dương Phong, Âu Dương Khắc, Cầu Thiên Nhận đều nhận phải quả đắng. Luật nhân quả được Kim Dung áp dụng triệt để trong tác phẩm này.
– Thứ hai, những lần leo núi của Quách Tĩnh không đơn thuần là thử thách về thể lực. Ý nghĩa tượng trưng ở đây có thể nói là rõ mồn một. Mỗi lần Quách Tĩnh chinh phục một đỉnh cao là một lần chàng vượt qua chính mình, một lần lột xác: khả năng võ học của chàng mỗi lúc lại mạnh hơn, chàng cũng trở nên lịch duyệt giang hồ, không còn là cậu bé ngờ nghệch nữa. Thế nhưng Kim Dung đã rất tinh tế khi cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Quách Tĩnh vẫn không hề thay đổi! Xin thử đối chiếu hai đoạn dưới:
'Y giữa tuyệt cảnh chợt nghĩ tới hai câu Tứ sư phụ từng nói:
– Không có việc gì khó. Chỉ e kẻ có lòng.
Nghĩ thầm trước sau cũng chết. ở đây tiến lui đều không được thì chẳng bằng cố sức bò lên, lúc ấy bèn rút đoản đao ra từ từ khoét vào vách núi mấy tấc, kế đó lại khoét lỗ phía trên. Y cố gắng như thế lại lên được thêm hơn một trượng, đã mệt tới mức đầu váng mắt hoa, tay chân mềm nhũn.'
Đây là tình cảnh Quách Tĩnh lần đầu leo lên núi để học Mã Ngọc.
"Y ngẩng đầu nhìn, đột nhiên bộp một tiếng, chiếc mũ da trên đầu rơi xuống mặt tuyết, trong chớp mắt ấy đã quyết định:
– Nếu mình không gặp được Dung nhi thì sống chẳng bằng chết. Ngọn núi này tuy hiểm trớ, nhưng nhất định mình phải liều mạng mà lên, cho dù sẩy chân ngã xuống chết thì cũng là làm theo ý nàng một lần.
Nghĩ tới đó, trong lòng lập tức khoan khoái"
Đây lại là lúc Quách Tĩnh bị Hoàng Dung “làm khó,” bắt chàng ta phải leo lên ngọn Cây Trọc đóng băng trơn tuột mới được gặp mặt tạ tội. Cho dù mục đích cũng như phương thức leo núi của Quách Tĩnh có khác nhau, nhưng về cơ bản thì tính cách quật cường, kiên trinh, bướng bỉnh của Quách Tĩnh vẫn nhất nhất như một. Thà chết không từ, nhất nhất dấn thân, bản sắc anh hùng của Quách Tĩnh là vậy: thuần khiết, đơn giản, thậm chí cậu ta cũng không hề nghĩ mình đang đóng vai anh hùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét