Trung thu truyền thống
Chẳng cần nói, những người thuộc thế hệ 8x cũng biết đây là Tây Du Ký, bản truyền hình đầu tiên, từ năm 1986. Một thứ mà chỉ cần nhìn thấy bức ảnh này và nghe bài nhạc hiệu kinh điển là cả tuổi thơ sẽ ùa về.
Đã được 27 năm tính từ lần đầu tiên Đài truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim Tây Du Ký này (năm 1990), cứ đến hè là hàng chục nhà đài khắp cả nước cùng nhau công chiếu bộ phim này. Theo thống kê, tất cả các đài truyền hình từ Trung ương tới các tỉnh đều đã phát sóng bộ phim Tây Du Ký: Đài phát ít nhất 1 lần, đài phát nhiều nhất 12 lần!
Ở thành phố thời khó khăn, nhà nào có ti vi thì trẻ con cả xóm tới, rôm rả chí chóe lúc thời sự và im thin thít lúc phim đã bắt đầu chiếu. Trung Thu bọn trẻ chúng tôi không gọt kiếm gỗ nữa mà lấy giấy bạc bao thuốc lá bịt 2 đầu gậy lại làm Như Ý Bổng, rồi nằng nặc đeo mặt nạ Tôn Ngộ Không chơi trăng mới thỏa.
Ở nông thôn, sức thu hút của Tây Du Ký còn ghê gớm hơn. Môi trường nông thôn thoáng rộng, khung cảnh nên thơ nên dễ “cảm” với Tây Du Ký hơn. Trong những ngày hè này rất dễ bắt gặp hình ảnh mấy đứa trẻ cầm cành tre quật nhau, bụi bay mù mịt, giống như cảnh Ngộ Không đánh nhau với yêu quái. Hoặc hình ảnh mấy đứa trẻ chăn trâu “đóng” cảnh thầy trò Đường tăng đi Tây trúc, đứa ngồi trên lưng trâu, vài đứa vác cây nhảy nhót chạy theo, một đám khác “vai” yêu quái xuất hiện. Thế là đánh nhau túi bụi, tiếng hò la rộn lên…
Dường như, thế hệ trẻ ở nước ta từ tuổi biết xem truyền hình đến người lớn đều bị Tây Du Ký hút hồn mỗi khi đài truyền hình nào vang lên nhạc hiệu của phim này. Đa số đã xem vài lần nhưng xem nữa vẫn hấp dẫn, hào hứng vô cùng!
Tây Du Ký hấp dẫn không chỉ nội dung, cốt truyện, cảnh quay mà còn nhạc của phim. Khi bộ phim kết thúc, khán giả còn nán chờ nghe cho xong nhạc khúc “Đường chúng ta đi” với hình ảnh thầy trò Đường Tăng lội suối, băng rừng lảnh lót vang lên, rồi mới làm gì thì làm! Các nhà đài hiện nay vì thời lượng hay vì lợi nhuận mà xà xẻo cắt nhạc cuối phim đi thì bị ghét lắm lắm. Không biết họ có lường được điều đó không.
Vậy đấy, trải bao biến đổi, rốt cuộc, “Tây Du Ký” bản 1986 vẫn còn đó như một lời nhắc nhở. Kỹ xảo thô sơ của nó nhắc nhở chúng ta hãy đi tìm vẻ đẹp thực sự trong tinh thần tác phẩm. Sự đứng vững của bản kinh điển đó nhắc nhở chúng ta hãy cẩn thận với những thứ méo mó sau này, chính người lớn hãy tỉnh táo để hướng dẫn trẻ em xem gì và không xem gì.
Và với việc vẫn nói đi nói lại về “Tây Du Ký”, vẫn mua mặt nạ Tôn Ngộ Không cho tụi nhóc vào dịp Trung Thu, chúng ta nhắc nhở nhau về sự giữ gìn những tinh hoa truyền thống, giữ gìn tâm thức phương Đông.
- Markku -
Nhận xét
Đăng nhận xét