LUẬN TAM QUỐC QUA BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH
LUẬN TAM QUỐC QUA BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH
1. TN: Trung Nguyên, vùng trung và hạ lưu sông Hoàng Hà, nơi được coi là phát nguyên nền văn minh Trung Hoa và được tộc Hoa Hạ (tổ tiên người Hán) xem như là trung tâm của Thiên hạ. Đây là vùng mà Tào Tháo đã thống nhất từ các chư hầu như Viên Thiệu, Lữ Bố, Viên Thuật...
2. LĐ: Liêu Đông, vùng đất tự trị ở phía đông của Liêu Hà, nay thuộc vùng phía đông và phía nam của tỉnh Liêu Ninh cùng khu vực phía đông nam của tỉnh Cát Lâm. Đất này truyền đến đời cuối là Công Tôn Uyên thì đã trải 3 đời. Đến đời Uyên thì chính thức xưng là Yên vương, ly khai khỏi Tào Nguỵ và phát động chiến tranh. Vùng này đất đai bằng phẳng, dân cư đông đúc, xa về một góc của thiên hạ.
3. TL: Tây Lương, nơi sản sinh ra Tây Lương thiết kỵ khét tiếng. Theo sử liệu xưa, Mã Siêu “dùng sức một châu đối đầu với Trung Quốc tất cả dựa vào Tây Lương thiết kỵ”, đủ thấy sức mạnh của lực lượng này. Đây cũng là vùng mà Gia Cát Lượng muốn chiếm để giải quyết vấn đề về kỵ binh, thu hẹp chênh lệch quốc lực giữa Nguỵ và Thục.
4. HT: Hán Trung, là vùng đất phía đông Ích châu (còn gọi là Đông Xuyên). Đất này là cổ họng của xứ Tây Xuyên, địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở. Nước Thục với tài nguyên hạn chế vẫn trụ vững được hơn 40 năm trong Tam Quốc cũng là nhờ chốt chặn này. Về sau Lưu Thiện tin dùng Hoàng Hạo, lơ là phòng thủ, Đặng Ngải mới có thể dẫn quân cảm tử xuyên qua đất này tiến về Thành Đô.
5. TX: Tây Xuyên, dễ thủ khó công. Xung quanh núi non bao bọc, xe không lọt bánh, ngựa không thể chạy song hàng. Lại có được một đồng bằng rộng lớn vùng trung tâm (bồn địa Tứ Xuyên ngày nay) kết nối với đất Hán Trung, dân cư đông đúc, hộ khẩu hơn 100 vạn. Tiến lên thì như phượng bay rồng cuốn, lui về thì như rồng rắn ẩn thân. Đất này chỉ dành cho những bậc đế vương như Lưu Bang, Lưu Bị thì mới phát huy hiệu quả, còn vào tay tầm thường như Lưu Chương, Lưu Thiện thì chỉ như chó giữ nhà mà thôi.
6. NT: Nam Trung, là nơi Gia Cát Lượng đã dẫn đại quân đi ăn gà Mạnh Hoạch. Vùng này chủ yếu là đồi núi, nhưng nhiều sản vật. Đặc biệt rất nhiều ngựa (về sau vào thời Tống, vùng Vân Nam - Đại Lý là nơi cung cấp ngựa nổi tiếng khắp vùng Đông á, có lần bị Đại Cồ Việt tịch thu đến hơn vạn ngựa). Tuy nhiên ngựa vùng này lại có đặc điểm nhỏ bé, nhưng cực kỳ dai sức, tính chiến đấu cao, có khả năng tự tìm nguồn nước, thức ăn và sống rất khỏe trong mọi điều kiện thời tiết, giống với giống ngựa Mông Cổ tung hoành khắp Á Âu. Có lẽ do tư duy chiến tranh nên thời này không chuộng giống ngựa này, chỉ chuộng giống ngựa cao lớn như ở phương Bắc. Rất đáng tiếc, nếu như Gia Cát Lượng biết sử dụng giống ngựa này một cách hiệu quả, biết đâu lại xoá nhoà được khoảng cách về kỵ binh giữa Thục và Nguỵ.
7. DC: Dương Châu, hay còn gọi là Giang Đông, địa bàn của đám chuột lắt Đông Ngô, vùng này có sông Trường Giang che chở, nếu chú ý phát triển mạnh thủy binh, công thủ đều dễ dàng. Lại nhờ Tôn Quyền khéo trị nước nên ngày càng lớn mạnh, dân cư đông đúc vượt xa nước Thục ở Tây Xuyên.
8. KC: Kinh châu, nằm ở ngã ba sông Trường Giang, phía đông giáp Dương châu, phía tây giáp Ích châu, phía nam giáp Giao châu, phía bắc giáp Dự châu, tức là địa phận trung nguyên. Sông Trường Giang chảy từ tây sang đông, từ Ích châu có thể xuôi dòng đến Kinh châu, từ Kinh châu có thể xuôi dòng đến Dương châu (tức Giang Đông). Về diện tích, Kinh châu rộng thứ 2, chỉ sau Ích châu. Kinh châu là ngã 3 thiên hạ, có vị trí chiến lược về mặt quân sự. Chính xác hơn, những vùng đóng vai trò quan trọng của Kinh châu là các quận phía bắc như Nam Dương, Nam Quận và Giang Hạ. Vì vậy trong thời Tam Quốc, chiến tranh giữa các quân phiệt thời kỳ đầu và các quốc gia thời kỳ sau đều có mục tiêu tranh giành địa bàn những quận này. Hình ảnh minh chứng rõ ràng nhất về vai trò của Kinh châu chính là việc cả ba nước thời Tam Quốc đều trước sau chiếm đóng một phần địa bàn này và nhiều trận chiến xảy ra quanh việc giành giật nơi đây.
9. QC: Quảng Châu. Châu này lúc thì thuộc vào Giao Châu, lúc lại được Đông Ngô tách ra thành châu riêng. Diện tích chủ yếu ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ).
10. GC: Thời Hán bao gồm cả Quảng Châu, về diện tích thì cũng là một châu lớn, Sĩ Nhiếp hùng cứ tại đây cũng đứng ngang hàng với các chư hầu. Dân cư ở đồng bằng sông Hồng cũng thuộc hàng đông đúc, giao thương tấp nập. Do ở quá xa Trung Nguyên nên không thể tham gia đại hội anh hùng, tuy nhiên trong biên chế quân đội của Tôn Quyền có những đội quân khét tiếng tinh nhuệ, bao gồm Chiến xa Hổ sĩ, quân Đan Dương thanh cân và nghĩa sĩ Giao Châu.
Nhận xét
Đăng nhận xét