Nhị Lang Thần

Nhị Lang Thần Nhị Lang Thần hay Nhị Lang Chân Quân là một vị thần/vị anh hùng xuất hiện trong Đạo giáo và các truyền thuyết dân gian Trung Quốc. Vì có nguồn gốc từ truyền thuyết dân gian nên danh tính thực sự của Nhị Lang Thần cũng có nhiều phiên bản khác nhau và những tích truyện về nhân vật này cũng rất phong phú như “Nhị Lang trị thủy”,“Nhị Lang giết rồng”, “Gánh núi cản Mặt Trời”, “Xẻ núi cứu mẹ”... Việc thờ cúng Nhị Lang Thần được cho là bắt nguồn từ sự thần thánh hóa của nhân vật Lý Nhị Lang ở Quán Khẩu, Tứ Xuyên. Vì là con trai thứ hai của Lý Băng nên mới có tên gọi là Quán Khẩu Nhị Lang. Trong lịch sử Trung Quốc, Lý Băng là một vị quan thời Tần, đã có công lớn trị thủy ở Tứ Xuyên, chinh phục sông Dân (một nhánh của sông Dương Tử). Ông đã cùng người con trai thứ hai của mình khảo sát con sông dữ và xây dựng Đô Giang Yển - một hệ thống kênh đào khổng lồ, cho đến ngày nay vẫn được đánh giá là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất thời cổ đại. Cũng có nhiều truyền thuyết liên quan đến quá trình Lý Băng trị thủy như chuyện ông ta đánh bại thủy thần, hay chuyện Lý Băng hóa thành tê giác để trấn giữ con sông… Vì người con trai thứ hai của Lý Băng cũng đã góp công rất lớn trong việc trị thủy nên đến thời nhà Đường, những đền thờ Nhị Lang Thần bắt đầu xuất hiện ở Tứ Xuyên. Đến thời nhà Tống, Nhị Lang được sáp nhập vào hệ thống thần linh của Đạo giáo và dần được thờ cúng trên khắp Trung Quốc. Lúc này thì “chức năng” của Nhị Lang Thần không chỉ là trị thủy nữa mà còn được coi như một vị thần xua đuổi tà ma, bệnh tật, tiêu trừ tai họa… Vì Nhị Lang Thần đã trở nên phổ biến nên những truyền thuyết về nhân vật này cũng bắt đầu xuất hiện nhiều phiên bản khác nhau. Trong tích truyện “Nhị Lang giết rồng” thì Nhị Lang Thần sống vào thời nhà Tùy, tên thật là Triệu Dục, tu luyện ở núi Thanh Thành. Về sau Triệu Dục trở thành thái thú ở Mai Sơn (Tứ Xuyên) và đã lập chiến công chặt đầu một con rồng để trừ hại cho dân. Thời nhà Minh, lại có truyền thuyết Nhị Lang xẻ núi cứu mẹ (Nhị lang phách sơn cứu mẫu). Trong phiên bản này thì Nhị Lang mang họ Dương, là kết quả từ mối tình giữa phàm nhân Dương Thiên Hựu và một tiên nữ ở cung Đẩu Ngưu trốn xuống trần (có phiên bản thì không phải tiên nữ mà là em gái của Ngọc đế). Chuyện này lộ ra, Ngọc đế nổi giận, đem giam mẹ của Nhị Lang dưới núi Đào Sơn. Sau này Nhị Lang trưởng thành và sở hữu sức mạnh vô địch, chàng sử dụng cây rìu Khai Sơn để bổ đôi núi, giải thoát cho mẹ mình khỏi cảnh giam cầm. Sau đó Dương Nhị Lang lại kết nghĩa huynh đệ với những tráng sĩ ở Mai Sơn, trở thành một nhân vật anh hùng chuyên diệt trừ yêu ma. Riêng về tích truyện “Xẻ núi cứu mẹ” lại tồn tại hai phiên bản khác nhau. Một phiên bản như vừa kể, nhân vật chính là Dương Nhị Lang. Còn một phiên bản khác trong truyền thuyết Bảo Liên Đăng thì nhân vật chính lại là một chàng trai tên Trầm Hương, mẹ chàng là Thánh Mẫu nương nương ở Hoa Sơn, lén kết hôn với phàm nhân Lưu Ngạn Xương, phạm vào luật trời. Ở truyện này thì Nhị Lang Thần lại đóng vai trò là vị thần chấp pháp, cai quản việc trừng phạt những thần tiên phạm lỗi và đã giam Thánh Mẫu nương nương bên dưới Hoa Sơn cho đến khi Trầm Hương dùng rìu Khai Sơn để cứu mẹ. Một truyền thuyết mang tinh thần Phật giáo xuất hiện vào thời nhà Đường thì cho rằng nguyên mẫu của Nhị Lang vốn là con trai thứ hai của Đa Văn thiên vương (Kubera), có tên là Độc Kiện. Vào thời vua Huyền Tông, nhà Đường bị các nước ở Tây Vực xâm chiếm biên giới, Đường Huyền Tông làm lễ cầu khẩn Đa Văn thiên vương, vị thiên vương này đã cử Độc Kiện xuống trần đánh đuổi quân địch. Ngày nay, chúng ta thường biết đến nhân vật Nhị Lang Thần thông qua hai cuốn tiểu thuyết kỳ ảo “Phong Thần diễn nghĩa” và “Tây du ký”. Trong “Tây du ký”, ở hồi thứ sáu, Nhị Lang Thần cùng với sáu huynh đệ Mai Sơn được lệnh đến thu phục Tôn Ngộ Không . Ngộ Không nói: “Nhớ lại hồi trước, em gái Thượng Đế nhớ phàm trần, xuống hạ giới lấy chồng là Dương Quân, đẻ được một con trai, đã từng vác búa bổ vỡ núi Đào Sơn, có phải là ngươi không?” Như vậy, nhân vật Nhị Lang Thần trong “Tây du ký” đã được sáng tạo dựa vào Dương Nhị Lang trong tích truyện “Xẻ núi cứu mẹ”. Sang đến “Phong Thần diễn nghĩa”, Nhị Lang Thần cũng lấy nguồn gốc là Dương Nhị Lang, có tên thật là Dương Tiễn. Anh ta là học trò của Ngọc Đỉnh chân nhân, đến làm tướng cho quân Chu, phò trợ Khương Tử Nha trong công cuộc thảo phạt nhà Thương. Dương Tiễn trong “Phong Thần diễn nghĩa” trở thành hình mẫu nổi tiếng nhất về Nhị Lang Thần so với những phiên bản Triệu Nhị Lang, Lý Nhị Lang… Cho dù trong phiên bản nào thì ngoại hình của Nhị Lang Thần thường được miêu tả khá đồng nhất, là một vị thần cao lớn, gương mặt vừa thanh tú vừa kỳ dị, mắt phượng mày rồng, răng trắng môi đỏ, đầu đội mũ phiến vân, thân khoác áo giáp vàng. Khi ra trận, Nhị Lang thường sử một thanh Tam tiêm lưỡng nhận đao (loại binh khí cán dài, có 3 mũi nhọn và hai lưỡi phụ ở hai bên, nên gọi là “Tam tiêm lưỡng nhận đao”), sau hông đeo một cây cung lưỡi liềm. “Phong Thần diễn nghĩa” tả Nhị Lang dung mạo khác thường, không giống kẻ tu đạo mà cũng chẳng giống kẻ phàm tục. “Tây du ký” thì tả rằng “Dung nghi tốt đẹp thật đường hoàng Tai lớn chấm vai, mắt sáng choang…” Khi tả đến dung mạo của hai tên yêu vương Kim Giác và Ngân Giác, tác giả cũng có thơ: “ Mặt tựa chân quân nơi Quán Khẩu, Thân như kiện tướng chốn thiên cung” Ý nói hai tên này có dung mạo đẹp đẽ tựa như Quán Khẩu chân quân, như vậy đã coi ngoại hình của Nhị Lang là chuẩn mực của cái đẹp rồi. Khi miêu tả đến ngoại hình của Nhị Lang Thần, người ta thường nhớ ngay đến con mắt thứ ba ở trên trán nhân vật này, được cho là Thiên Nhãn dùng để khắc chế tà ma, soi rõ thập phương. Riêng về đặc điểm này thì được cho là xuất phát từ tín ngưỡng thờ mắt của các dân tộc thiểu số ở nước Thục cổ (Tứ Xuyên), thường tạo một vết sẹo hoặc xăm hình con mắt lên giữa trán. Sau khi Nhị Lang Thần có bước chuyển mình từ vị thần địa phương trở thành một vị thần Đạo giáo, con mắt thứ ba này cũng được giữ lại và trở thành đặc điểm không thể thiếu khi vẽ tranh hoặc làm tượng về Nhị Lang. Xuất hiện bên cạnh Nhị Lang Thần còn có ba con vật trung thành, đó là: Hao Thiên Khuyển, nguyên mẫu là một con chó trắng lông ngắn, thường hỗ trợ chủ nhân trong việc truy bắt yêu ma. Tạo Ưng - một con chim ưng lông bạc, cánh hồng và Ly Mã Nhi, một con ngựa bạch mà Nhị Lang thường cưỡi khi ra trận

Nhận xét

Bài đăng phổ biến