Tự truyện Pirlo

Pirlo

"Khi soi gương mỗi khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, tôi nhìn thấy một gã đàn ông với nhan sắc trung bình. Tóc tai bờm xờm, mũi không được thẳng, tai thô và có bọng dưới mắt. Nhưng tôi cũng nhìn thấy một gã đàn ông hoàn toàn vui vẻ đang nhìn lại mình, một kẻ có quyền tự hào với từng giây, từng phút đã sống trong đời"

Đấy là những câu cuối cùng mà Andrea Pirlo đã viết, trong chương cuối cùng của cuốn tự truyện phát hành cách đây hai năm. Sách có hai mươi chương, tôi đọc đến đâu dịch ra đến đấy, dù không phải là fan của Pirlo. Càng dịch tôi khâm phục khí khái của một người đàn ông thật sự. Chưa đến mức như Nhậm Ngã Hành, nhưng Pirlo đã sống theo quy chuẩn mà anh đặt ra cho riêng mình. Anh luôn tin vào giá trị của bản thân và không để cho ngoại cảnh buộc mình phải thay đổi.

Ít ai biết anh là một siêu quậy, anh chọc phá tất cả mọi người, anh không thật sự tin vào tôn giáo, anh rất sôi nổi ngoài sân cỏ, anh chơi điện tử và cay cú khi thất bại. Nhưng khi bước ra sân cỏ, anh là một con người hoàn toàn khác.

Ở trên sân cỏ, anh chả mấy khi bộc lộ cảm xúc, không gào thét ầm ĩ, không vui đùa, đấy là lúc anh tư duy. Bởi thế là cuốn tự truyện của anh mới có tên là "Tôi tư duy, thế nên tôi chơi bóng". Đó là lúc một "Pirlo - con người" nhường chỗ cho "Pirlo - triết gia". Hôm nay, sinh nhật thứ 37, anh đã biết mình sẽ không dự Euro được, nhưng có lẽ cũng không có gì quá buồn. Bước chân ra khỏi châu Âu, Pirlo đã chấp nhận từ bỏ. Pirlo thích dự Euro lần nữa, nhưng thích là một chuyện, được là chuyện khác. Sở cầu bất đắc là đau khổ của loài người, Pirlo hiểu điều ấy quá còn gì.

Nhân sinh nhật, mời các bạn đọc lại chương cuối cùng, chương thứ 20, trong tự truyện của Pirlo.

Tôi biết cách tư duy. Tôi ghét những ai nhìn mình cùng với suy nghĩ: "Cầu thủ, lại là một tên não rỗng". Vâng, quả là có nhiều cầu thủ dốt đặc cán mai ở ngoài kia. Nhưng cũng có biết bao kiến trúc sư, giáo sư, nhạc sĩ, nhà báo, dược sĩ có chỉ số IQ chỉ ngang với một cục đá.

Thành thực mà nói, tôi tự xem mình là một người tư duy độc lập. Tôi luôn có ý kiến của riêng mình trước mọi vấn đề và không ngừng bày tỏ nó, bảo vệ nó. Tôi biết rõ những ai đang mang mình ra trò đùa. Linh cảm luôn mách bảo cho tôi những điều đúng.

Nhưng có một lần, linh cảm của tôi sai bét. Đó là trận đấu trên sân của La Coruna hồi 2004 khi còn khoác áo Milan. Ngày ấy, chúng tôi cùng bay đến Tây Ban Nha để đá trận lượt về tứ kết Champions League sau khi đã dẫn đến 4-1 ở lượt đi. Khả năng để Milan bị loại cũng ngang với khả năng Rino Gattuso thi đậu vào trường mỹ thuật.

Thú thật là khi ấy chúng tôi chỉ nghĩ về trận bán kết và chuyến đi đến Galicia chỉ là một thủ tục không hơn không kém. Vậy mà điều không thể lại trở thành có thể. Đêm ấy, đối thủ của chúng tôi đã chạy với tốc độ 1.000 dặm/giờ trong suốt 90 phút, kể cả những cầu thủ đã nhiều tuổi và chưa bao giờ nổi tiếng về thể lực hay tốc độ.

Điều khiến tôi sững sờ nhất là việc họ chạy ngay trong... giờ nghỉ. Thật vậy. Khi trọng tài Urs Meier thổi còi dứt hiệp 1, cầu thủ của Deportivo chạy thẳng vào đường hầm như thể họ là Usain Bolt. Còn chúng tôi thì chỉ còn biết chạy sau lưng họ như những chiếc bóng. Tôi không hề có chứng cứ và cũng không hề có ý cáo buộc ai, nhưng cái suy nghĩ hoang đường ấy thỉnh thoảng quay trở lại trong những năm sau này: phải chăng cầu thủ Deportivo... chơi thuốc?

Đấy là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời, tôi hoài nghi đối thủ của mình dở trò bịp bợm. Có thể đấy chỉ là một ý nghĩ hằn học mà tôi không thể vượt qua. Nhưng dù sự thật có là thế nào đi nữa, Deportivo cũng đã bị loại khá dễ dàng bởi Porto ở bán kết. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ cũng biết mất khỏi đấu trường danh giá nhất châu Âu.

Tuy nhiên, tôi lại phá lên cười khi có ai đó hoài nghi việc Barca dùng doping trong những năm tháng đỉnh cao của họ. Tôi cười vì tôi hiểu họ có một công thức thành công được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Barca luôn biết cách chiến thắng mà không cần phải bung quá nhiều sức, họ để quả bóng làm thay phần việc của mình. Những bậc thầy ở Camp Nou biết cách phải chạy sao cho hiệu quả. Bạn sẽ không bao giờ thấy họ tung những cú nước rút 70-80 mét. Cầu thủ chạy theo quả bóng, Barca buộc quả bóng chạy theo họ. Đấy là lý do vào cuối trận, thể lực của họ vẫn dồi dào trong khi đối phương đều đã thấm mệt.

Doping là vấn đề muôn thuở của bóng đá Italia. Chúng tôi thường xuyên bị CONI và UEFA kiểm tra, không chỉ nước tiểu mà còn thử máu. Họ có thể bất ngờ xuất hiện trong một buổi tập và buộc chúng tôi phải tuân lệnh. Một nhân viên kèm một cầu thủ, không ai được phép than phiền.

Thật ngu xuẩn khi dùng chất cấm. Nó khiến cho hồ sơ của bạn trở nên xấu đi, mà đã dùng chất cấm thì trước sau gì mà chả bị phát hiện. Trước mỗi mùa bóng, bộ phận y tế phát cho mỗi cầu thủ một bản danh sách dài những loại thuốc không được dùng. Bản thân tôi sẽ xin tư vấn của bác sĩ ngay cả khi muốn dùng một viên aspirin. Về việc này tôi giống như Matri vậy: xem doping là một thứ bệnh tật, khiến mình phải sợ hãi.

Tôi luôn tức giận khi những VĐV xe đạp trả lời phỏng vấn và có ý dè bỉu cầu thủ. Họ bảo cầu thủ quá giàu, lại luôn là tâm điểm của sự chú ý. Nhưng họ quên mất bóng đá là một thế giới sạch sẽ. Còn thế giới xe đạp thì sao? Việc những cuarơ sau khi giải nghệ thừa nhận họ từng tiêm thuốc khi còn thi đấu chẳng còn làm ai cảm thấy ngạc nhiên nữa. Có đáng buồn không chứ.

Dường như tất cả đều phải bơm một thứ gì đó vào người. Bởi vì người thường ai mà có thể đạp 300 km/ngày với tốc độ bình quân 40km/h, rồi lại thức dậy ngay sáng hôm sau và nuốt một lộ trình tương tự? Ngay cả Tour de France, Giro d’Italia hay Vuelta a Espana cũng thế. Có những đoạn leo đèo mà ngay cả động cơ xe hơi cũng muốn chịu không thấu, vậy mà các cuarơ vẫn nuốt trọn dễ dàng. Tôi thật sự rất rất buồn khi Lance Armstrong và một dàn cuarơ khác thừa nhận là mình đã gian dối.

Gian dối đối thủ đã đành, họ còn tự gian dối với chính bản thân mình chỉ để đứng trên bục vinh danh. Hàng trăm lần họ chối bỏ việc dùng doping, là biểu tượng của những gì trong sạch đáng kính, rốt cục chỉ để lộ ra chính họ là những diễn viên kiệt xuất. Cuối cùng, người ta đã tước đoạt mọi danh hiệu của Armstrong, nhưng quan trọng hơn, họ cần phải dạy cho những cuarơ trẻ gian dối là một tội ác. Trên mỗi gói thuốc, người ta đã ghi dòng chữ "Hút thuốc là hủy hoại sức khỏe của bạn". Có lẽ đã đến lúc ghi lên bình nước của các CĐV: "Chớ bỏ bất kỳ thức rác rưởi gì vào đây".

Khi soi gương mỗi khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, tôi nhìn thấy một gã đàn ông với nhan sắc trung bình. Tóc tai bờm xờm, mũi không được thẳng, tai thô và có bọng dưới mắt. Nhưng tôi cũng nhìn thấy một gã đàn ông hoàn toàn vui vẻ đang nhìn lại mình, một kẻ có quyền tự hào với từng giây, từng phút đã sống trong đời.

Gino Bolsieri ở Flero và Roberto Clerici ở Voluntas không chỉ là những HLV đầu tiên chỉ ra cho tôi thấy vị trí thi đấu lý tưởng nhất của tôi là ngay trước hàng thủ. Ngoài bố Luigi và mẹ Lidia, đấy cũng là 2 người đầu tiên dạy cho tôi: đi tường tắt có thể sẽ khiến ta về nhất, nhưng một ngày ta sẽ phải đối mặt với chính con quỷ dữ mà mình đã tạo ra và cầm chắc thất bại.

Trong người tôi luôn tồn tại một ngọn lửa, làm từ đam mê và khát vọng thuần khiết. Nếu dập tắt nó là giết chết cả linh hồn tôi. Tôi còn nhớ có một lần, hồi 2011, người đại diện Tinti gọi điện cho tôi, không buồn nói xin chào mà bập vào ngay vấn đề.

- Andrea, bọn Qatar muốn có cậu.

- Nhưng tôi không sang đấy đâu.

- Gì cơ?

- Còn quá sớm.

- Ngay cả Pep Guardiola cũng từng chơi ở đó.

- Đúng, khi gần giải nghệ.

- Vậy thì ăn mặc cho đàng hoàng vào rồi đi mà từ chối. Bọn họ đang ở Milan.

Phái đoàn của Al Sadd đang chờ tôi ở Principe di Savoia, nơi David Beckham từng lưu trú khi chơi cho Milan. Họ chào tôi:

- Ciao. Hợp đồng của anh đã xong.

- Xin chào. Rất vui được gặp các vị.

- Anh mặc đồ đẹp đấy.

- Tôi tên là Andrea Pirlo.

- Không cần phải khách sáo đâu. Chúng tôi cho cậu vài phút suy nghĩ.

- Không cần suy nghĩ đâu, tôi đến cốt chỉ để biết các ông là ai thôi.

- Andrea này, cậu được mấy cháu rồi?

- Hai.

- Bọn tôi có trường dạy tiếng Anh tuyệt vời ở Qatar.

- Tôi thích nghe chúng nói tiếng Ý hơn.

- Khỏi lo, tôi sẽ xây trường dạy tiếng Ý với toàn giáo viên Ý. Anh thích xe hơi chứ?

- Quá thích luôn.

- Vậy tốt, bọn tôi tặng anh vài chiếc Ferrari chạy chơi.

- Vài chiếc.

- Ừ. Nếu thấy nhớ Ý, chuyên cơ luôn sẵn sàng đưa anh trở về thăm nhà.

- Nhưng...

- Hợp đồng xong rồi, những 4 năm.

- Nhưng...

- Nó sẽ mang về cho anh 40 triệu euro.

Nghe đến đây thì Tinti đã ngất rồi. Các nhân vật Qatar vẫn nói tiếp:

- Vâng, 40 triệu euro cho 4 năm, anh thông cảm vì kinh tế đang khó quá. Nhưng nếu anh muốn nhiều hơn thì ta thương lượng nhe.

- Cám ơn nhiều, nhưng tôi không thể. Ký với các ông là thông báo với thế giới tôi đã hết thời. Nhưng tôi còn muốn chơi bóng ở châu Âu, tại Italia này.

- 11 triệu euro/năm nhé.

- Tulio, mình về.

- 12 triệu euro luôn.

- Tulio.

- 13 triệu...

Tôi đành phải vác tay đại diện của mình rời khỏi khách sạn. Đồng hồ chỉ 21:21. Định mệnh thật buồn cười.

Bố tôi sinh ngày 21, đấy là ngày tôi kết hôn và chào khán giả Serie A lần đầu tiên. Nó là số áo của tôi ngay từ đầu và suốt cả sự nghiệp. Nó mang đến vận may cho tôi. Đấy là lý do tôi dừng tự truyện ở chương 20. Xin nợ các bạn một chương nữa, một chương mà tôi sẽ viết với những trải nghiệm cuối cùng trong sự nghiệp.

Và một điều này các bạn cần nhớ: tôi có một cây viết, hehe.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến