Câu chuyện bên nồi lẩu

Tôi có thằng bạn, giao tình cũng ngót nghét chục năm.

Ngày trước mới đi làm, nó là người chửi nhau đầu tiên với tôi về việc viết lách, cũng nhờ thế mà thành bạn. Trên đời có những người miệng lưỡi thích châm chọc nhưng bên trong cuối cùng vẫn là hảo ý của việc tìm kiếm người có thể tranh luận thật sâu với mình. Tôi chính vì cũng hiểu phần này nên sau nhiều năm bắt đầu mặc kệ kiểu ăn nói của nó, cũng từ đấy học được cách nhìn vào tâm một người hơn là để ý những chuyện trước mắt bề ngoài.

Trong nhiều năm nó vẫn nói với tôi về việc viết một (vài) cuốn sách nhưng luôn tắc ở nửa chừng. Nay có quyển đầu tiên hoàn thiện. Tôi cũng mạn phép trích một phần trong sách của nó giới thiệu với các bạn độc giả.

Người sống ở Hà Nội gần ba chục năm có cái nhìn về Hà Nội khác với những người đến từ xứ khác mà bỡ ngỡ về nó thuở đầu. Tôi nghĩ những câu chuyện mà mọi người thích nhất về một thành phố là những câu chuyện dù có thể rất nhỏ nhưng có thể khiển người khác cảm thấy tình người ở thật gần. Chuyện Sài Gòn thì dễ thương đến lạ. Chuyện về Hà Nội cũ lại luôn mang một cái màu ngà ngà kiểu khói thuốc còn ám vàng trên bàn tay về một thành phố mà vài chục năm trước vẫn còn chuyện bồ gạo làm từ bình ga Liên Xô nhà nào đấy bị bắn văng lên trời mấy mét rồi rơi xuống nhà hàng xóm do bom nổ.

Đọc chuyện của bạn tôi kể lại về một bát bún sườn bốc khói, đầy ụ giữa trời Hà Nội giữa tiết đại hàn mưa gió, tiết trời khiến tay người có thể đỏ lừ như tôm luộc nếu chẳng may phải phóng xe máy. Chuyện về hai con người, một được đẻ ra tại cái đất này, lạc lõng chính mình giữa một thành phố mà bỏ được cái tôi để ngắm nhìn mọi việc; người còn lại giống như con thuyền, chẳng đủ sức để chống chèo mà sau năm tháng cũng trôi dạt về đây.

"Lúc này tôi mới nhìn kỹ ông chủ quán hơn. Ngũ tuần, tóc đã hoa râm, khuôn mặt hiền lành, nhưng có nét cứng rắn. Lông mày mảnh nhưng đậm, đôi mắt cương nghị, phảng phất nét phong sương. Chiếc mũ bê-rê xanh đen, khăn cũng vậy, cùng chiếc áo khoác bộ đội to, quần len xám.

- Kinh khủng. Hồi đấy chú đi xe min-khờ về quê, làm gì có găng tay, thế là lấy mấy cái tất chùm vào tay để đi. Lúc xuống xe con bé con không xuống nổi xe luôn, cứng hết cả chân tay. Chú cũng thế, phải ngồi một lúc hai bố con ôm nhau mới ấm lên xong xuống - Chú kể, giọng hồi tưởng

- Vâng - tôi đáp, vừa ăn, vừa nghe, vừa ngó lên nhìn, vừa đáp.

- Con bé xuống, bảo chú nhìn sang kênh, biết thế nào không, con cá trạch ở giữa mương như khúc gỗ luôn. Chết cóng, lạnh quá cá kiểu trạch trốn không kịp chết, lấy que chọc chọc như đá. Sợ thật.
- Vâng, cháu cũng nhớ về quê ra ngoài thấy mặt nước băng mờ mờ luôn, mà sương trên lá thì cũng thành đá.

- Mà đi xe máy, hơn trăm cây, xong sau đợt đấy cước, xót thì kinh khủng. Năm 82 hồi chú đóng quân trên Lạng Sơn cũng thế. Cháu biết thế nào không, hồi đấy là canh cái hang vũ khí, hang thì sâu, lại còn hút gió, lạnh lắm. Thế là mấy anh em phải đi chặt gỗ quanh đấy, mang về đốt sưởi ngoài hang, mà đốt bao nhiêu vẫn lạnh. Thời đấy Lạng Sơn còn nhiều thú dữ nữa, nên đốt lửa cả đêm luôn, lạnh không ngủ nổi, có mấy thằng ngồi với nhau cũng sợ. Năm sau thì giải ngũ, thế là về đây, được phân cho cái nhà cấp bốn này, làm đủ thứ rồi mở cái quán này - Giọng chú chậm dần.

- Vâng - Bát bún đã gần hết. Đói, nên tôi ăn nhanh, bún cũng ngon nữa, nên càng đớp tợn. Chợt nhận ra điều gì đó, tôi hỏi - Ơ, thế hôm nay chú bán một mình à? Mọi hôm cháu nhớ có con bé nữa cơ mà.

- Về quê rồi, cũng không phải là về quê, mà vào thành phố Hồ Chí Minh. Chị nó đẻ, không kiếm được ai giúp, nên gọi nó vào giúp. Việc nhà, chẳng giữ được. Mà nó làm đây cũng mấy năm rồi - Thở dài, rất nhẹ.

- Con người mà, bình thường thì chả nhớ đến nhau đâu, chỉ khi có việc cần nhờ mới nhớ thôi - Tôi cười khẩy, đủ để chỉ tôi biết, nói với chú, mà cũng như nói với mình.

- Ừ - Thở dài, nặng hơn một chút

- Ơ thế cô không ra phụ chú à?

- À, chú có lấy vợ đâu

- Vâng... - Đến lượt tôi thở dài, rất nhẹ

- Giải ngũ xong thì già rồi, mà chẳng có tương lai, chẳng ai lấy cả - Chú nói, rồi nhoẻn miệng cười, cười như thể cái việc đấy, cho dù đã từng rất đau xót, đến bây giờ thì cũng chỉ là gió thoảng mây trôi.

Một chút yên lặng. Để cả hai người đàn ông cùng nghĩ. Nghĩ cái gì có lẽ tôi cũng chỉ biết tôi mà chú cũng chỉ biết chú. Rồi tôi quyết định đứng dậy, cũng muộn rồi.

- Thôi cháu gửi tiền - Tôi rút tiền trong túi áo, rồi chợt nhớ ra điều gì đó, tôi nói thêm - Để hôm nào rảnh rảnh cháu qua nói chuyện với chú lâu hơn - Nói xong, tôi cảm thấy lòng chợt nhẹ hơn.

- Ừ - Chú cười, vẫn cái nụ cười nhoẻn miệng nhẹ nhàng như vậy, nhưng tôi cảm thấy ý vui từ đấy.

Rồi tôi lên xe, về nhà. Không khỏi ngoái lại trước khi nổ máy. Cái căn nhà cấp bốn, nhìn ngoài thì hẹp, mà đột nhiên lại rộng, bởi trong đó, chỉ có một bóng người đàn ông đang lúi húi dọn dẹp."

Bạn tôi là thằng Kiệm.

- Lu -

P/S: dưới đây còn có đoạn anh Sour nói về việc Kiệm ra sách. Thiết nghĩ, để nguyên văn sẽ hay hơn là gửi lời. *lại mạn phép mời các độc giả đọc tiếp*

--------------

Trời nóng như thế này, người lớn chúng ta lại không còn cái tâm hồn trẻ con để nô đùa nghịch ngợm mà quên đi cái nóng nữa. Là một người thế hệ giữa của 8x, tôi luôn nhớ tuổi thơ với khu tập thể, bạn bè may ô quần đùi cùng bao nhiêu trò nghịch ngợm. Đến cái thời đại cơm áo gạo tiền giờ, ít người còn giữ được cái tâm hồn đơn giản như vậy.

Chính vì thế mà tôi thích Kiệm, thích đọc cái kiểu văn chương giản dị của hắn. Không màu mè, không gồng mình, cái kiểu nói chuyện qua chữ của Kiệm cứ từ từ dẫn dắt người ta đi hết chỗ này đến chỗ khác, cuối cùng về lại cái thời đơn giản. Đọc văn Kiệm giống như rượu vang ngon vậy, nhẹ nhàng nhưng lại rất thấm. Không có cái đanh thép của Lu, không có cái lãng mạn của BeP, Kiệm giống như một anh chàng sơ mi, quần âu, thuốc lào, trà đá mà ở đâu bạn cũng có thể gặp.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, Kiệm cũng ra sách rồi. Cuốn sách cũng hệt như cái chất văn của hắn vậy. Đơn giản, hơi hoài cổ, nhẹ nhàng, dễ chịu. Mùa hè nắng nôi thế này, cầm cái quyển đấy, mà ngồi có cốc nước chanh đá, cái quạt phe phẩy, rồi đọc mà ngủ quên lúc nào không biết cũng hay.

- Sour -

P/S: "Câu chuyện bên nồi lẩu" sẽ có buổi ra mắt vào ngày 23/07/2016 vào lúc 15h00 tại Toast 'n' Tea cafe, Hà Nội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến