Mùa hè áo xanh
Mùa hè áo xanh
Bức ảnh này chụp vào thời điểm vụ cá chết xảy ra, và Quảng Bình viết một bài báo nói du lịch có tín hiệu vui trở lại.
Trong ảnh là những thanh niên mặc áo xanh, đang vui đùa trên một vùng biển vào thời điểm đó không ai chắc chắn là an toàn đến đâu. Tấm áo họ mặc màu xanh, gần giống với màu áo xanh của những chiến sĩ mùa hè xanh quen thuộc.
Cũng trong tấm áo ấy, ba nữ sinh Ngoại thương chưa tròn 20 tuổi đã chết đuối khi đi qua một con suối ở Quảng Ninh khi đang ở trong Mùa Hè Xanh.
Tôi cảm thấy khó thở khi đọc dòng viết này trên báo "Gia đình các nạn nhân cũng bày tỏ dù rất đau xót vì con em mình đã thiệt mạng khi tham gia hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh nhưng sự ra đi của các nữ sinh không vô ích. Họ đã cống hiến tuổi trẻ cho cuộc sống này."
Câu viết này có thể buồn cười với rất nhiều người, nhưng nó tóm tắt đầy đủ ý mà cái chiến dịch mùa hè xanh đó đã hành xử với người trẻ - những người vào đại học.
Mùa Hè Xanh được gọi là "chiến dịch" và những người tham gia mang chức vụ "chiến sĩ". Mùa hè xanh trao cho những cán bộ đoàn thứ quyền lực vô hạn: điều khiển bạn cùng lớp, cùng trường, làm những việc theo họ yêu cầu mà không có quyền cãi lại. "Chiến sĩ" cũng đồng nghĩa với việc bạn sinh viên tham gia không được quyền hỏi tại sao họ phải làm cái việc vô lý này, mà không làm cái điều có lý khác.
Biến một hoạt động mang tính tình nguyện thành sản phẩm như một đoàn quân, Mùa hè xanh tạo được những thành tích khiến cả bên điều khiển lẫn "chiến sĩ" đều vui lòng. Họ mặc áo xanh, ồn ào lao tới một mặt trận nào đó, "quét" qua đó bằng nhiều quyết tâm lấp lánh thành tích.
Cán bộ đoàn có thêm một nấc thang để leo cao hơn đến con đường chính trị mà họ ham mê - thấy dễ nhất là các cán bộ đoàn trường đại học nhanh chóng nhận được việc làm trong trường, làm ở thành đoàn, thành cán bộ thành đoàn, và trở thành quan chức.
"Chiến sĩ" có được thứ thực dụng nhất mà họ tìm kiếm: điểm rèn luyện để là sinh viên tốt, tìm được bạn trai, bạn gái, và có một mùa hè miễn phí.
Sự vô tư thỏa mãn cả hai bên, và người ta thấy những bức ảnh xanh ngời chiến sĩ mùa hè xanh "ra trận".
Họ chỉ quên mất mỗi một điều: Ai là mặt trận đây?
1000 thanh niên tình nguyện làm con đường 700m và tiêu hết 1,5 tỷ đồng từng gây xôn xao trên mạng hồi 2013. Số thanh niên bu đen con đường như kiến, hình chụp thì hoành tráng, tiền tốn thì nhiều. 700m đường đó, với 1,5 tỷ đó và chỉ mấy chục bác già nông dân trong xóm, chắc đắp một buổi nhoằng cái xong cả con đường.
Hàng ngàn hàng trăm "chiến sĩ" đứng bu đầy cổng trường "tiếp sức mùa thi" không làm gì cả, cười đùa nhốn nháo, kệ xừ thí sinh thích ra sao thì ra, hay cảnh 10 tình nguyện viên tranh nhau chăm sóc một thí sinh vì... ế quá.
Có năm tôi đến nhà một bạn đại gia kia, cho sĩ tử ở trọ cả ngôi nhà ba tầng miễn phí. Bên Tiếp sức mùa thi khấp khởi lao tới xin được “hỗ trợ mùa thi” ngay ở cổng nhà ông. Ý là nếu có sinh viên ghé qua ở, họ có thể giúp các em vào nhà, chỉ đường các em đi thi. Chiếc bàn “tiếp sức mùa thi” được lập ngay trước cửa nhà ông. Hơn chục tình nguyện viên đứng cười nói selfie ở đó. Trong khi ấy, ông chủ nhà và hai đứa con nhỏ phải vầy cực cả hơn hai ngày để dọn sạch ngôi nhà, không một tình nguyện viên nào giúp.
Ông kể: “Lúc đài truyền hình qua quay, thì thấy các em xách chổi ra quét trước cửa”. Ông cười rồi đi vào nhà. Vậy hơn chục bạn trẻ “tình nguyện” ấy đang tình nguyện vì ai, tình nguyện vì cái gì, và trên mặt trận nào?
Có năm, số lượng tình nguyện viên tiếp sức mùa thi đông tới nỗi, cán bộ đoàn nghĩ ra “sáng kiến” cho các bạn ra đứng giữa đường làm dải phân cách, đặng ngăn xe cho các em sĩ tử. Câu hỏi duy nhất là, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chiếc xe nào đó lao vào các bạn? Cảnh sát giao thông vẫn có ở đó để phân làn xe cơ mà?
Bạn tôi đi làm tình nguyện ở Buôn Ma Thuột, tự dưng trưởng chiến dịch bắt cả lũ đi... nhổ cỏ. Trong khi ấy, mùa hè mưa nhiều, cỏ ở đường trên Buôn Ma Thuột mọc đầy. Ai hơi đâu mà nhổ cỏ. Nếu cần rẫy cỏ vì làm rẫy, vì làm sạch đường, chỉ một buổi bà con cắt và đốt là xong.
Mấy chục thanh niên tình nguyện trời nắng chang chang ra vỉa hè đường tập trung... tấn công cỏ. Những đứa trẻ 19 -20 tuổi đó hầu như đều thấy cái hiệu lệnh vô lý và ngu dốt kia, nhưng vẫn làm. Bởi đó là chiến dịch, và họ là chiến sĩ. Chiến sĩ thì miễn cãi. Và ai cũng cần có điểm rèn luyện khi hết mùa hè.
Những ai đã làm Mùa Hè Xanh khoảng 15 năm về trước khi quay lại nhà người dân quê đều nghe những chuyện cười ra nước mắt.
Tụi nó bảo đi ra đắp đường cho khỏi ổ gà mà mấy chục thanh niên làm cả tuần không xong, bác xốn mắt quá rủ mấy ông hàng xóm ra làm luôn cho nhanh, hết có buổi chiều. Mà ổ gà rồi thì lại ổ thôi, mùa mưa đến, đường đất, chẳng thể nào tránh được.
Tụi nó đến nhà thì vui, nhưng đám con gái hết sợ đen da, rồi sợ muỗi đốt, bọn con trai thì sợ làm việc nặng, mà ai cần đâu mà tụi nó phải cực vì bác vậy. Nhưng thôi nghĩ nó bằng tuổi con cháu mình lại thương không nỡ quát.
Vâng, “mặt trận” của các bạn đấy. Cái mặt trận mà các bạn tưởng là mình đi để giúp, đi để ban phát, đi để cho tặng sức khỏe, thân thể, tuổi trẻ, họ dường như bối rối và kinh ngạc trước những gì mà những người trẻ sầm sập mang lại trong cơn hưng phấn tình nguyện ồn ào.
Nhưng không hiểu vì sao, với tuyên ngôn là "chiến sĩ" và mùa hè là "mặt trận", những thanh niên ưu tú học vị cao lại có thể cắm đầu đi làm những việc chính họ không tin vào nó. Họ cắm đầu đi lấp một ổ gà. Họ đứng giữa đường giăng mình cho xe đi ngang. Họ trèo lên gỡ một mái nhà lá ra rồi... lợp lại cho đài truyền hình quay. Hay như trong bức ảnh kỳ cục này, họ tắm biển vì biển... an toàn rồi.
Cuối cùng của việc làm tình nguyện chẳng phải là ban ơn, chẳng phải là đem ánh sáng của bạn tới đêm tối nào, cũng chẳng phải là tôi đến đây hi sinh vì các anh chị cô chú.. Bạn chỉ đi thêm một nơi và có thêm điều tốt vào mình để lớn lên.
Cuối cùng của việc làm tình nguyện có khi chỉ là điểm rèn luyện.
Cuối cùng của mùa hè xanh có khi chỉ là để bạn có một mùa hè đi xa nhà miễn phí, để “thỏa chí tang bồng” cái tuổi khám phá mọi giấc mơ, để kết bạn, yêu đương hay quen với một vùng đất bạn chưa bao giờ đặt chân tới.
Cuối cùng của mùa hè, bạn phải lớn lên, không làm phiền “mặt trận”.
Vậy thì không thể đánh mất mình, không thể mù quáng, không thể làm đau chính bản thân và ai khác cả...
Mùa hè đâu có lỗi gì đâu.
Mà "cống hiến tuổi trẻ cho cuộc sống này" là gì đây?
Khải Đơn
(Ảnh:http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/307344/du-lich-bien-quang-binh-vui-tro-lai.html )
Nhận xét
Đăng nhận xét