"Mảnh đất thiêng liêng" và cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Mảnh đất thiêng liêng" và cuộc khủng hoảng Ukraine.
Khi phân tích về lịch sử của các quốc gia ( hay nói chính xác hơn, lịch sử của các nhà nước tồn tại trên một vùng đất cụ thể), có một lý thuyết cho rằng: Một quốc gia muốn tồn tại lâu dài thì phải tìm được cho mình một số vùng đất cốt lõi, coi những nơi đó có giá trị thiêng liêng, và hi sinh tất cả để giữ lấy chúng. "Hi sinh tất cả" ở đây có nghĩa là dám lao vào những cuộc xung đột kể cả khi chịu nhiều thiệt thòi hơn đối thủ. Ngược lại, đối với những vùng đất không "thiêng liêng" bằng, thì các quốc gia sẽ tranh giành một cách logic hơn, chỉ leo thang xung đột khi mình nắm phần thắng.
Đọc thêm về lý thuyết này: http://socialevolutionforum.com/2014/03/20/coevolution-of-geopolitical-calculus-and-sacred-values/
Đây là kết quả của một quá trình chọn lọc trải qua rất nhiều thế hệ. Những quốc gia quá hung hãn, hi sinh quá nhiều để giành lấy những vùng đất không mang tính chiến lược, đều bị diệt vong. Những quốc gia quá hiền lành, sẵn sàng từ bỏ đất đai trong tình huống không có lợi, cũng bị diệt vong. Những quốc gia có lịch sử lâu đời mà còn tồn tại đến ngày nay đều có chung đặc điểm: họ phát triển một tình cảm gắn bó mạnh mẽ với những vùng đất mang tính chiến lược, đến mức mang tính thiêng liêng, khiến cho kẻ thù nào muốn giành lấy những vùng đất đó đều phải trả giá đắt. Ngược lại, đối với những vùng đất "ngoài rìa", người ta hành xử theo chủ nghĩa cơ hội: nắm lấy khi có thời cơ, và buông bỏ khi cần thiết.
Quay lại trường hợp nước Nga: không khó để nhìn thấy những "vùng đất cốt lõi" của quốc gia này. Trong hình là những địa danh được phong tặng danh hiệu "Thành phố anh hùng" sau Thế chiến II, trong đó 4 thành phố đầu tiên được phong danh hiệu này đó là Leningrad, Stalingrad, Sevastopol, và Odessa. Không có gì ngạc nhiên khi mà nơi người Nga chiến đấu anh dũng nhất cũng là những nơi mang tính chiến lược quan trọng nhất. Những vùng đất này vốn đã mang giá trị rất lớn từ thời đế quốc Nga những năm 1500s, và bất kể là dưới thể chế nào thì người Nga cũng kiên quyết giữ lấy những nơi này. Tiêu biểu là Sevastopol. Trong lịch sử đã 2 lần thành phố này bị bao vây bởi kẻ thù mạnh hơn (1855 và 1941), cả 2 lần người Nga đều cố gắng bám trụ tới phút cuối cùng, và sau chiến tranh thì thành phố luôn trở về với nước Nga.
Cho nên Putin đại đế chấp nhận rất nhiều rủi ro để giành lại Sevastopol. Cấm vận của Mỹ và phương Tây gây ra rất nhiều khó khăn, nhưng nó sẽ không làm người Nga nhụt chí, bởi vì họ coi nơi này là thiêng liêng. Tuy nhiên vùng đất miền Đông Ukraine thì khác. Không có "thành phố anh hùng" nào ở đây (Kiev nằm ở tận miền Tây Ukraine), cho nên về lâu dài, Nga sẽ chỉ tìm cơ hội chứ không cần liều lĩnh quá mức giữ lấy khu vực này. Những thành phố như Donetsk, Luhansk chỉ là những con tốt trên bàn cờ. Xét trên dài hạn, cuộc tranh giành có nhiều khả năng tiếp diễn ở Odessa và giữa lòng Kiev hơn là ở các thành phố nhỏ này.
Nhận xét
Đăng nhận xét