GIÓ ĐỔI CHIỀU, LƯU – TÀO ĐỔI CHỖ
GIÓ ĐỔI CHIỀU, LƯU – TÀO ĐỔI CHỖ
Điều bi kịch của con người là họ thường chỉ thấy những gì họ muốn thấy
Cái phần “thấy” được ấy nó phản ánh “phần đồng tình” của một con người đối với sự vật ấy, hoặc là “phần khao khát” mà người đó đang thiếu.
Giống như post thảo luận hôm trước về chuyện Lưu – Tào trong con mắt người đọc hiện đại. Kẻ ủng Lưu sẽ thấy một bài bênh vực cho Lưu Bị, kẻ thích Tào bảo tác giả chỉ biết dựa vào tiểu thuyết mà chê Tào, kẻ trung dung hơn thì bảo cả 2 ông đều gian hùng v.v…
Vấn đề là cái ý mà tôi muốn đề cập đến lại ít người nhận ra.
Không quan trọng bạn dựa vào nguồn sử liệu nào, không quan trọng chuyện bạn thích ai, cái tôi muốn nói ở đây là cách “nhìn” và “phương pháp luận”.
Tam Quốc Diễn Nghĩa là một tác phẩm vĩ đại, nó đi sâu vào đời sống, quan niệm của chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Trong suốt một thời gian dài người Việt nghe kể truyện Tam Quốc thì xúm xít lại, nghe đoạn Lưu Bị thua thì cau mày không vui, thấy kể Tào Tháo bại thì khoái chí reo mừng. Tôi đã từng như vậy lúc nhỏ và rất nhiều người cũng từng như thế.
Bạn không sai khi cảm nhận một tác phẩm văn học như thế lúc nhỏ, nhưng khi lớn lên, bạn vẫn cảm nhận như thế là có vấn đề.
Từ trước khi facebook ra đời, tôi đã luôn bảo vệ Tào Tháo bất cứ khi nào có cơ hội, dù là trên bàn nhậu, diễn đàn, forum các kiểu v.v… Đối với tôi, không có nhân vật lịch sử nào hoàn toàn xấu, cũng chả có nhân vật nào hoàn toàn tốt, điều quan trọng là chúng ta học được gì từ những nhân vật đó. La Quán Trung tạo ra Tào Tháo như một đại diện biểu trưng cho chữ “gian hùng”, nhưng ông cũng chẳng dìm họ Tào hết mức, ngược lại, luôn dành rất nhiều đất cho Tào Tháo thể hiện khi nhân vật này tổ chức quân đội, quản lí nhân sự, cầm binh. Ở phía ngược lại, Lưu Bị trong TQDN có biểu hiện như một kẻ ăn may, nhưng có rất nhiều chi tiết nhỏ và rất đắt để Lưu Bị thể hiện sự kiệt xuất của mình. Cái tình của La Quán Trung là thế, ông có yêu, ghét nhưng không vì thế mà dìm nhân vật nào xuống tận đáy.
Cách trở thành bá chủ của Tào Tháo rất thú vị. Ông ta không dùng nhân hay nghĩa để thu hút nhân tài mà dùng sức mạnh và trí tuệ. Tào Tháo luôn tạo môi trường tốt nhất để các vị quân sư và tướng lĩnh phát triển bản thân. Các mưu sĩ luôn được nói ra suy nghĩ của mình, không cần đoán ý, cũng không thể biết ý Tào Tháo. Các vị tướng có trừng phạt có khen thưởng, luôn được kỳ vọng và được chính Tào Tháo huấn luyện, rất có tinh thần quản trị nhân lực hiện đại. Chính bởi thế, cho dù sợ Tào Tháo, họ đều tri ân, trung thành và tận sức vì ông ta.
Con đường bá chủ của Lưu Bị lại là một con đường thú vị khác. Lưu Bị dùng nhân nghĩa để thu phục nhân tâm, từ đó làm yên thiên hạ. Cái nhân nghĩa ấy là một phương thức, một con đường để ông ta thực hiện hoài bão của mình. Nói theo thời hiện đại, đó là cách thức mà chọn để xây dựng hình tượng lãnh đạo của mình. Lưu Bị thực chất là một người thiếu mưu chước nhưng ông có tài nhìn và dùng người. Ông ta cũng hiểu rất rõ nhược điểm của bản thân mình, thiếu tài thao lược, nên không ngần ngại giao đại quyền cho Khổng Minh, không bao giờ nghi ngờ, không tự coi bản thân mình trên hết tất cả. Khổng Minh cũng vì trọng đãi ấy mà cả đời, đến một suy nghĩ khinh thường Lưu Bị cũng không dám nghĩ. Con dân, tướng lĩnh, mưu sĩ bán mạng cho Lưu Bị, bởi họ biết rằng (hoặc tin rằng) điều Lưu Bị trân trọng nhất, chính là sinh mạng của họ.
Mỗi con người có một cách chọn con đường mình sẽ đi, chân lý mà mình sẽ sống. Vì vậy mà họ trở thành bá chủ, thành nhân vật lưu danh sử sách, chỉ có những kẻ tầm thường với tầm nhìn hạn hẹp mới đi khinh khi những con người như thế.
Sau một thời gian dài mở page này tôi mới ngạc nhiên khi chứng kiến gió đổi chiều từ bao giờ không rõ. Thời “ủng Lưu kháng Tào” giờ nghe thật xa vời khi người thích Tào Tháo ngày càng đông, thấy mặt Lưu Bị là chửi, quăng ngay chữ “ngụy quân tử” vào bất cứ topic nào có Lưu Bị, bất kể chủ đề nói gì.
Hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và được cộng hưởng bởi tất cả những điều sau:
-Chủ nghĩa xét lại lịch sử của thế hệ sau.
-Sự lên ngôi của thuyết âm mưu vốn thích lật tung bất cứ thứ gì từng khẳng định của quá khứ.
-Sức ép của cái gọi là báo mạng, cộng đồng mạng khiến các bài báo lá cải, thuyết âm mưu xuất hiện điên cuồng hòng câu view, gây chú ý với độc giả.
-Tâm lí thích chứng tỏ, thích đi ngược lại số đông của một thế hệ độc giả mới.
Tất cả những điều đó đã đổi chỗ cho Lưu – Tào, và nó cũng không khác mấy với giai đoạn trước, thời mà Tào Tháo bị ghét, dèm pha một cách bất công. Tôi thấy bình thường trước việc Tào Tháo ngày càng đông fan hơn, tôi chỉ thấy bức xúc trước “cách nhìn” và “phương pháp luận” của một thế hệ đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa mới.
Bạn thấy cái hay của Tào Tháo nhưng không thấy cái hay của Lưu Bị => đó là vấn đề.
Bạn thích ai không quan trọng, nhưng bảo vệ người này bằng cách hạ bệ, chửi bới, dìm người còn lại bất chấp lí lẽ => đó là vấn đề.
Bạn thích chứng tỏ, nhưng khi tranh luận chỉ biết chửi người khác chứ không biết lập luận, dẫn chứng hay tôn trọng tinh thần tranh luận => đó là vấn đề.
Đó là vấn đề của (một số) người đọc hiện tại, cũng là cái tôi muốn đề cập trong post thảo luận hôm trước. Tác phẩm là vật chết nhưng tinh thần của nó là thứ sống. Đọc Tam quốc không phải chỉ để chạy theo trào lưu, để hơn thua, chứng tỏ trong những tranh luận vớ vẩn, bởi suy cho cùng, những cái hay của một tác phẩm là thứ hữu dụng nhất đối với bản thân mỗi người. Một cách nhìn sai lệch, một cách phản ứng tiêu cực cũng có thể dẫn tạo nên sự mù quáng, những hậu quả sau này trong đời thực.
Trong cái tên của Page có 2 chữ chủ chốt quan trọng đó là “đọc” và “luận”. Thích “luận” (tranh luận, chửi bới) mà không biết “đọc” (nghiên cứu, tìm hiểu, cảm nhận khách quan) thì cũng vô bổ. Bản thân chuyện “đọc” cũng không phải ai cũng đọc đúng tinh thần của việc đọc. Thế mới có những người không biết, không thích cách nhìn đa chiều, chỉ biết nhìn thiên kiến rồi phán “page này anti A, B, C gì à?”. Bởi thế mới có những kẻ dở hơi ngày trước nhảy vào chỉ biết các kiểu “sử Tàu đọc làm gì ?” blah blah các kiểu => kiểu đó không đáng để tranh luận thêm. Chúng ta không thể ngăn hết những kẻ tiêu cực ngoài đời, nhưng có thể tạo ra một môi trường lành mạnh hơn cho mình, vì vậy, tôi mong muốn page thực sự “chí ít” cũng là một CLB, một sân chơi thực sự cho những người thích Tam quốc, biết tranh luận đàng hoàng, tử tế (chí ít thì cũng cách ly được với các thành phần tiêu cực còn lại trên FB :)).
Một dân tộc có vấn đề về "đọc" và "hiểu" thì khó mà tiến xa được. Hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra một chỗ thảo luận tốt, một môi trường tốt, một phong cách đọc, hiểu, luận tốt để chia sẻ cùng nhau, cho thế hệ bây giờ và những thế hệ yêu thích tam quốc sau này nữa.
(Nghinh Phong)
Nhận xét
Đăng nhận xét