King Eric
Đó là một ngày hè oi bức của năm 1978. Trận đấu cuối của giải vô địch địa phương vùng Provence, ngoại ô Marseille, đang bước vào những phút chót. AS Caillolais bị Vivaux-Marronniers dẫn trước 0-1 trong một trận cầu phải thắng. Thời gian cạn dần, tiếng còi mãn cuộc đang đến gần thì một pha bóng diễn ra làm những ai có mặt hôm ấy cũng phải sững sờ.
Từ giữa sân, một cầu thủ bắt đầu lao lên, bỏ lại các đối thủ truy cản sau lưng và xâm nhập vòng cấm khi trước mặt chỉ còn thủ môn. Đột nhiên tiếng còi dứt trận vang lên, không cho cầu thủ ấy thực hiện pha dứt điểm để khép lại một siêu phẩm.
Ngay từ bé, sự trầm trồ thán phục lẫn thở dài tiếc nuối, đôi khi đến chỉ cách nhau tích tắc, đã không hề xa lạ với Eric Cantona.
Bây giờ, ở tuổi 50, anh có thể mỉm cười khi nhớ lại chặng đường đã đi qua, từ thuở còn là cậu nhóc 12 tuổi thấy nước mắt lăn dài trên má trong trận đấu nêu trên cho đến khi đã là một người đàn ông 31 tuổi, quyết liệt giã từ sự nghiệp thi đấu ở Old Trafford trong sự hẫng hụt tột cùng của người hâm mộ.
Vì sao Cantona lại nói lời chia tay ở cái tuổi rất đẹp của một trung phong? "Vì tôi thấy mình không còn khả năng tiến bộ nữa", Cantona chia sẻ với truyền thông châu Âu. "Tôi luôn muốn vượt lên so với chính mình của ngày hôm qua. Khi không còn khả năng chơi hay hơn, tôi mất đam mê tập luyện và thi đấu. Mà bóng đá không có đam mê thì còn có ý nghĩa gì".
Sự nghiệp của Cantona không hề toàn vẹn. Và anh không chủ trương đi tìm sự toàn vẹn ấy. Không đoạt Cup châu Âu, không có một giải đấu lớn đáng nhớ nào với đội tuyển Pháp và cũng chưa từng giành Quả bóng Vàng. Bản thân Cantona cũng là chủ đề tranh luận về đạo đức suốt thời gian dài.
Trong lúc CĐV Man Utd tôn sùng anh như một vị thánh sống, CĐV của những đội bóng khác cũng như truyền thông tranh luận không ngớt về anh. Cantona quá kiêu ngạo, trở thành tấm gương xấu cho lớp trẻ với cú kung-fu tai tiếng với CĐV đối phương trên sân Crystal Palace hôm nào.
Anh nói gì về sự không toàn vẹn ấy? Về sự nghiệp, Cantona tâm niệm: Chỉ cần vui với những gì mình từng làm được, mưu cầu sự hoàn hảo là điều không tưởng, thậm chí còn làm cho người ta đau khổ. Còn tấm gương xấu ư? Anh nói: "Tôi chưa từng bảo người ta phải sống theo tôi, tôi sống cuộc đời của riêng mình, mọi người sống lấy cuộc đời của mọi người. Đừng noi gương cầu thủ, chúng ta còn rất nhiều vĩ nhân ngoài kia để học. Cuộc sống này chung quy tất cả cũng là những trò hề ấy mà".
Những câu nói kiểu ấy, nửa triết lý, nửa chiêm nghiệm, khiến các CĐV Manchester United mê mẩn Cantona. Nước Pháp có thể xem Cantona như một kẻ thất bại, nhưng ở Old Trafford, anh mãi mãi là "King Eric". Khi anh đến, Quỷ Đỏ đã trải qua cơn khát danh hiệu vô địch Anh suốt một phần tư thế thế kỷ. Khi anh đi, đội bóng ấy đã có bốn chiếc Cup Premier League trong vòng 5 năm. Đấy là khởi đầu cho một giai đoạn thống trị giúp Manchester United vượt mặt Liverpool để trở thành đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh.
Cantona không có cái tài năng vượt trội so với thế hệ. Cùng thời với anh, Jean-Pierre Papin ghi bàn tốt hơn, David Ginola hào hoa hơn. Khi Aime Jacquet lên cầm tuyển Pháp, ông trao nhiệm vụ làm chủ hàng công cho Zinedine Zidane và không triệu tập Cantona lần nữa. Tức là ngay trong hàng ngũ những ngôi sao Pháp đương thời, Cantona vốn đã không được xem là số một.
Điều khiến Cantona đặc biệt chính là phong thái hơn người của anh. Rất ít người áp đặt phong cách của mình lên chính CLB. Cantona là một trong số ít như vậy. Anh đến Old Trafford, Man Utd lập tức trở thành con quỷ đỏ kiêu hùng, đá kiểu bề trên. Rất nhiều lần sau khi ghi bàn, Cantona chẳng buồn ăn mừng, mặt vênh lên kiêu hãnh. Hỏi anh, anh bảo: "Tôi chỉ mừng khi ghi bàn vào những đội mạnh hơn mình. Mà ở nước Anh, chẳng có đội nào thế cả". Một lần khác khi người ta hỏi anh đâu là cầu thủ hay nhất lịch sử nước Pháp, Raymond Kopa, Michel Platini hay Zinedine Zidane, anh đáp: "Cantona!"
Zlatan Ibrahimovic đã đến đây và bắt đầu tạo nên những dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Siêu sao người Thụy Điển cũng là một cầu thủ gây sốc và cực kỳ kiêu hãnh. Nhưng có một điều chắc chắn, chẳng ai thay thế nổi giá trị biểu tượng mà Cantona từng có ở Man Utd. Trong cuốn hồi ký mang tên Cantona: The Rebel Who Would Be King phát hành năm 2009 (Cantona: Kẻ nổi loạn làm Vua), nhà báo Philippe Auclair mô tả việc Cantona giải nghệ được các CĐV Manchester United đón nhận một cách tang thương như thể ngôi sao của họ vừa tự sát vậy. Và họ đã tiếc nuối trong suốt mấy năm, cho đến khi đội nhà giành được cú ăn ba vào mùa hè năm 1999.
"Năm 1966 là năm vĩ đại của bóng đá Anh, không phải vì năm đó họ vô địch World Cup, mà đó là năm Eric Cantona ra đời".
Sau khi giải nghệ, Cantona trở thành một diễn viên. Anh tham gia từ phim Pháp đến phim của Hollywood, gây ấn tượng bởi một gương mặt điện ảnh. Trong những bộ phim mà anh từng tham gia, có một bộ phim mang tên: "Looking for Eric" (Đi tìm Eric). Hai mươi năm sau ngày Cantona giải nghệ, Man Utd vẫn đang mải miết đi tìm một cầu thủ đủ sức làm cho họ hoàn toàn bị chinh phục. Một cầu thủ làm cho họ cảm thấy ấm áp vào những ngày lạnh lẽo nhất. Một kẻ sẽ trấn áp đối thủ bằng cái uy dũng của một con sư tử, sẽ đạp thẳng vào kẻ dám miệt thị nước Pháp của anh ta rồi sau đó nói với truyền thông: "Tôi rất tiếc, vì lẽ ra tôi phải đạp gã mạnh hơn nữa".
Nhận xét
Đăng nhận xét