Nhặt ở đâu, :d
Ngày xưa mẹ tôi hay kể về việc nhặt được tôi như thế nào từ bãi rác về. Một câu chuyện hay và cảm động. Mẹ cũng không tệ đến nỗi chỉ hẳn ra chính xác bãi rác nào, nhưng cũng khiến tôi suy nghĩ rất lung.
Từ đó tôi có cảm tình đặc biệt với những thùng rác, to có, nhỏ có, xe rác tất nhiên cũng có. Thậm chí ngoài việc muốn lớn lên làm lái xe, hoặc lái tàu, tôi cũng từng *ước muốn* được làm ở ngành rác thải. Tiếng kẻng đánh keng keng lúc 6 giờ tối hàng ngày nghe rất oai, các cô các bác trong xóm nô nức đi đổ rác, hàng lối và trật tự. Không như bây giờ, bạ đâu họ vứt đó.
Mẹ tôi nói đó là tiếng mẹ đẻ *của tôi* đánh kẻng gọi tôi về.
Tôi lúc nào cũng bồi hồi khi nghe tiếng kẻng ấy *hoặc* đi ngang bãi rác.
.....
Sau này tôi phát hiện ra đó là một lời nói dối trắng trợn của mẹ, trước đó tôi cũng ngờ ngợ rồi, vì bố tôi kể một câu chuyện khác, cũng sâu sắc không kém. Đó là việc ông đã *nhặt* được tôi từ lũ chim như thế nào, 2 năm đầu đời tôi chỉ ăn sâu và lá, hót như chim ra sao.
Rồi bố tôi "deal" với con chim ấy, rằng, tôi sẽ không hót nữa và nói tiếng người, bố tôi sẽ chu cấp đầy đủ cho nó lương thực thuốc men, building vân vân và vân vân vân.
Nhưng.
Nhưng nếu tôi không ngoan, hay mè nheo và đòi hỏi, ông sẽ đưa tôi trả lại chính chủ. Không building gì cho chim hết.
Tôi sợ.
Rất may là tôi ngoan. Tôi cũng không cảm tình với chim cò cho lắm từ bấy đến giờ. Nuôi con nào cũng bị chuột gặm hoặc bị xù lông. Cảm giác không có liên hệ thân thích về mặt họ hàng.
.....
Bạn gái tôi chỉ cho tôi rằng câu chuyện của mẹ và bố tôi là bịa đặt hoàn toàn thế nào.
Tôi vỡ mộng.
.....
Hôm nọ đi uống với thằng bạn, nó ngà ngà say, khoác vai tôi hỏi ngày bé ông được nhặt ở đâu?
Tôi nhìn vào mắt của nó, hơi ầng ậng nước. Tôi nhìn vào đám chai lọ lăn lóc trên bàn, tôi biết nó đang hỏi câu hỏi thật lòng. Tặc lưỡi.
"Bãi rác đầu cửa khẩu An Dương."
"Ông biết chính xác vị trí luôn."
"Ờ. Thùng số 2."
"Thế còn ông?"
"Từ cô đồng nát, mẹ tôi *trade* tôi bằng cái chảo cũ."
Xong rồi nó hát rống lên:
"Những thằng bé, sống hè phố...."
Ok. Có lẽ không ổn lắm nên tôi rút lui trong khi còn tỉnh táo. Bấm chuông cửa nhà nó và trao trả nó an toàn về cho vợ (chứ không phải mẹ)
Dặn vợ nó: "Mai, em phải nghe anh, từ giờ đừng để anh Ngơ nhà em nghe tiếng rao của chị đồng nát."
Vợ nó nhìn tôi rất lạ. Có anh Ngơ là hiểu tôi sâu sắc. Tôi vỗ vỗ lên ngực trái mấy cái chào người anh em rồi mới về.
Lúc về, tôi phát hiện ra mình quên mất thức ăn cho con chim ở nhà.
.....
Giờ mẹ tôi hơi lãng tai, bố tôi hay kể cho tôi 3 lần cùng một câu chuyện. Tôi lớn hơn và kiên nhẫn hơn, tôi lắng nghe hăng say như lần đầu và lập lại câu hỏi/câu chuyện một cách chậm rãi với âm lượng đủ để hàng xóm cũng nghe được.
Có một lúc nào đó, vào ngày sinh nhật năm tôi ở rất xa nhà. Mẹ gọi tôi rồi hỏi tối nay có tổ chức gì không? Cả nhà đang ăn bánh, uống trà và nhớ con.
Tôi ậm ừ, cười, nói với mẹ, với bố, với đứa em ở nhà về việc học. Về việc ở đây tôi vui đến thế nào.
Tôi dập máy rồi chạy một mạch lên cái đồi sau trường học, lên một tháp nước nghe đồn có ma. Hút hết một bao thuốc. Uống hai lon bia đã hết lạnh rồi khóc thầm.
Có một ngày tôi cô đơn đến như thế.
.....
Chúng ta sinh ra trên đời vì lý do gì. Không một ai có câu trả lời cả. Chúng ta là niềm vui là nỗi buồn là hy vọng là nuối tiếc là gì đó của một ai đó trên quả đất này.
Cái lý do chúng ta được sinh ra, dù có thế nào, cũng là một món quà của cuộc sống.
Hãy trân trọng nó.
8.5.2017
From BeP
Nhận xét
Đăng nhận xét