Gạc Ma 1988

Trận đánh Gạc Ma 14/3/1988 thực ra không phải là một trận hải chiến đúng nghĩa, vì phía Việt Nam không có sự tham gia của chiến hạm - không giống như Hoàng Sa 1974 là một hải chiến tiêu chuẩn giữa chiến hạm hai bên TQ và VNCH với việc hoả lực chủ yếu là các pháo hạm hai bên bắn vào tàu chiến của nhau.

Đây là một trận đánh đổ bộ chiếm các bãi đá ngầm giữa một bên là lính công binh Việt Nam với bên kia là tàu chiến và lính thuỷ TQ. Dù hoả lực áp đảo, nhưng quân TQ đã chiến đấu tệ, bị công binh Việt Nam dùng vũ khí cá nhân bắn hạ chết và bị thương khoảng ba chục.

Cả hai bên đều giới hạn xung đột trên ba điểm đá chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, cả hai bên do vấn đề hạn chế nội bộ mà không dám leo thang xung đột mạnh hơn. Việt Nam dù tổn thất lớn về người và tàu vận tải do lực lượng chênh lệch, nhưng cũng kịp giành được hai trên ba đá ngầm có xung đột, đồng thời rải quân ra đóng giữ luôn một loạt các đá ngầm khác trong quần đảo Trường Sa vốn không có người ở. Tổng cộng giữ thêm 11 đá ngầm trong năm 1988.

Dù chỉ có một lực lượng hải quân gần bờ rất hạn chế năng lực tác chiến ngoài khơi xa, một nền kinh tế vào thời điểm suy kiệt nhất, nhưng nhờ sự dũng cảm phi thường của những người lính hải quân nhỏ bé trên những con tàu cũ kỹ trọng tải vài trăm tấn, chúng ta đã không thua trong công cuộc tranh chấp ở Trường Sa năm 1988, ở một vùng biển dữ dội cách xa đất mẹ đến 600km.

Gạc Ma 1988 không thể nói là một chiến thắng quân sự, nhưng chắc chắn không phải là một thất bại của những người lính Việt Nam!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến